PVN thừa nhận khó khăn, chậm tiến độ thoái vốn công ty thành viên
(Dân trí) - Tâp đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) thừa nhận còn nhiều khó khăn trong việc thoái vốn tại các đơn vị thành viên, trong khi đó tác động tiêu cực của các vụ án trong ngành dầu khí khiến một số lãnh đạo phòng ban của PVN né tránh, sợ trách nhiệm.
Báo cáo về tình hình kinh doanh năm 2018 của PVN tại buổi làm việc của tập đoàn này với Ban Kinh tế Trung ương sáng nay (25/1), PVN khẳng định doanh thu và lợi nhuận năm 2018 toàn ngành tăng trưởng tốt, tuy nhiên cũng thừa nhận một số khó khăn, vướng mắc, nhất là sau biến cố lớn vừa xảy ra với lãnh đạo PVN trong hai năm vừa qua.
Báo cáo hoạt động năm 2018 của PVN cho biết, tổng doanh thu tập đoàn PVN năm 2018 đạt hơn 626.800 tỷ đồng, vượt hơn 96.000 tỷ đồng, 18% kế hoạch năm và tăng hơn 26% so với năm 2017.
Về tình hình nộp ngân sách, mặt dù có nhiều biến động lớn song PVN vẫn duy trì nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 121.000 tỷ đồng, vượt hơn 47.500 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2017.
Về lợi nhuận sau thuế, PVN cho biết tổng lợi nhuận của tập đoàn năm 2018 đạt 47.100 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch, tăng hơn 23% so với năm 2017.
Bên cạnh những thuận lợi, PVN chỉ rõ những khó khăn đối với ngành như trữ lượng khai thác không đạt yêu cầu chiến lược, hiệu năng khai thác các mỏ cũ suy giảm và tái cơ cấu chưa đạt kết quả...
Về gia tăng trữ lượng dầu khí, năm 2018, dù PVN có đạt kế hoạch song so với mục tiêu chiến lược đề ra phải duy trì trữ lượng dầu khí trong nước là 20 - 30 triệu tấn/năm; trữ lượng dầu khí ngoài nước là 8 - 12 triệu tấn/năm.
"Như vậy, yêu cầu tổng cộng trữ lượng dầu khí phải 28 đến 42 triệu tán. Trữ lượng dầu khí không hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều", Báo cáo của PVN nhấn mạnh.
Theo PVN, hầu hết các mỏ đã khai thác hiện tại đều ở giai đoạn cuối dẫn đến suy giảm sản lượng hàng năm từ khoảng 15% đến 30%.
Đánh giá của PVN nhìn nhận: "Những tác động tiêu cực của những vụ án liên quan đến một số đơn vị thành viên thuộc PVN ảnh hưởng đến tinh thần xử lý công việc của các ban chức năng, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc. Nhiều lãnh đạo các phòng ban có thái dộ tránh né, sợ trách nhiệm đối với công việc".
Về công tác thoái vốn, các hoạt động thái vốn của một số đơn vị thành viên vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ. Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1 của PVN còn gặp nhiều khó khăn, chậm tiến bộ.
Theo lãnh đạo tập đoàn PVN, một số kiến nghị của PVN cho các Bộ, ngành trong thời gian qua chưa được tiếp thu, sửa đổi.
Đơn cử như, quy chế tài chính của PVN vẫn chưa được phê duyệt khiến nhiều văn bản quản lý nội bộ chưa được bổ sung, sửa đổi phù hợp.
Hơn nữa, Bộ Tài chính hiện vẫn chưa có hướng dẫn việc thực hiện chi tiết đối với các khoản thanh toán chi phí bù thuế nhập khẩu, đối với vấn đề phát sinh thuế trên giá sản phẩm do có tính ưu đãi, bù thuế theo công thức giá (thuế chồng thuế) các sản phẩm bao tiêu tại dự án Nghi Sơn để phù hợp quy định hiện hành.
Các vấn đề liên quan đến nguồn tài chính và cơ chế hoàn trả số tiền PVN thực hiện để bù chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết Chính phủ đối với dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo PVN, ông Nguyễn Văn Bình, UVBCT, Trưởng Ban Kinh tế trung ương yêu cầu PVN sớm sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 14 để trình Bộ Chính trị ban hành một Kết luận mới góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn cũng như của ngành dầu khí trong thời gian qua.
Ông Bình nhấn mạnh, với những khó khăn, vướng mắc trong xử lý 5 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, PVN cần trực tiếp đề xuất các cách tiếp cận, các kiến nghị để ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể.
Nguyễn Tuyền