Pokemon Go có thực sự làm tăng giá trị bất động sản?
(Dân trí) - Khi mà rất nhiều người chơi vẫn còn bị cuốn theo những con thú ảo qua những chuyến phiêu lưu ở ngoài thế giới thực, liệu trò chơi với công nghệ thực tế tăng cường này có đem lại giá trị gì cho thị trường bất động sản hay không?
Mức độ nổi tiếng của Pokemon Go đã lắng đi phần nào sau một thời gian trò chơi này ra mắt kể từ tháng 7 tại châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên vẫn còn hàng ngàn người đang lùng sục khắp các con đường tại Đài Loan để tìm kiếm con Pokemon có tên “Snorlax.”
Ông Takeshi Akagi, Trưởng phòng Nghiên cứu chi nhánh JLL Nhật Bản, cho biết: “Trò chơi này có liên quan tới bất động sản là do bản chất của các mô hình định giá trên thị trường hiện tại. Ngoài giá trị hữu hình của những tài sản thực sự tồn tại trên khu đất, bất kì giá trị bổ sung nào (ví dụ như các nhà ga lân cận, tính thẩm mỹ của tòa nhà, tiện ích phụ trợ,...) cũng cần được cân nhắc khi định giá tổng quát tài sản.
Tác động lên giá đất
“Tôi nghĩ rằng sẽ hơi quá cường điệu nếu cho rằng vị trí đặt các Pokestop và Gym thực sự có làm tăng giá trị tài sản, tuy nhiên lượng khách ghé thăm ngày càng tăng quả thực đang đem lại tiền về cho các chủ tòa nhà và chủ đầu tư”, ông Akagi nói.
Không chỉ thu hút được nhiều khách đến thăm, theo Akagi, các tòa nhà còn có thể trở thành những địa điểm tập trung nhiều Pokemon để thu hút người chơi, qua đó làm tăng giá trị bất động sản. Ông cho biết thêm, các cửa hàng xung quanh những địa điểm này cũng sẽ được lợi từ lượng người chơi ghé thăm gia tăng.
Hợp đồng tài trợ của McDonald cho Pokemon Go trong suốt thời gian ra mắt tại Nhật Bản đã cho thấy sự chuyển đổi hơn 2800 cửa hàng McDonald thành các Pokestop và Gym đã giúp gia tăng doanh số và thúc đẩy thương hiệu của nhãn hàng thức ăn nhanh này.
Trò chơi cũng tạo được nhiều thành công tại Tokyo và một số nơi ở châu Á. Ví dụ như Shibuya, một trong những khu trung tâm thành phố lớn nhất Tokyo, có các Gym được đặt tại những nơi mang tính biểu tượng như “Hachiko Exit” bên cạnh ngã tư Shibuya nổi tiếng. Tại những thị trường bán lẻ lớn hơn nữa như Ginza và Omotesando, Gym được đặt tại các vị trí xung quanh cửa hàng Cartier tại Ginza và Hugo Boss tại Omotesando. Cùng với lưu lượng khách cao sẵn có, làn sóng khách tham quan mới này có thể là một bước đột phá đẩy doanh số bán lẻ lên cao hơn nữa.
Tại Singapore, ít nhất 16 trung tâm thương mại đã tham gia trò chơi di động này bằng cách đặt các Gym và Pokestop. Các phương tiện truyền thông trong khu vực càng làm thu hút sự chú ý của người chơi hơn nữa bằng cách liệt kệ những điểm tập trung nhiều Pokemon nhất.
“Hãy còn quá sớm để đo lường được chính xác tác động thực sự của ứng dụng này cũng như triển vọng của nó. Mức độ nổi tiếng tăng vọt của trò chơi vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng từ mọi góc độ để đưa ra kết luận về cơ hội mà nó mang lại nền kinh tế,” Akagi cho biết. Tuy nhiên, công nghệ TTTC đã cho thấy rằng nó đã thực sự trở thành một hiện tượng xã hội. Những tác động lên nền kinh tế và xã hội đang dần hiện thực hóa, Pokemon Go phải bắt đầu trong sự cải cách ảnh hưởng còn lại.
Công nghệ bất động sản hình thành?
Tương tự như fin-tech (công nghệ tài chính) trong kỷ nguyên mới, việc áp dụng công nghệ vào bất động sản có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng và sinh ra một khái niệm mới, “pro-tech”, công nghệ bất động sản, Akagi cho biết.
Cuộc họp vào ngày 29/7 giữa Thủ tướng Abe và ngân hàng Nhật Bản (BOJ) về các chính sách tăng trưởng kinh tế mới tiết lộ rằng hai trong số ba chiến lược mũi nhọn Abenomics sẽ được cải tiến thành 1 là BOJ hỗ trợ nới lỏng tiền tệ bằng cách tăng cường mua quỹ đầu tư ETF, và 2 là chính phủ quyết chi 28 nghìn tỷ Yên kích cầu kinh tế Nhật. Đương nhiên là không thể thiếu chiến lược quan trọng thứ ba của Abenomics: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn cho các thị trường mới nổi thông qua đổi mới và cải cách cơ cấu.
“Hiện tượng Pokemon Go cho thấy công nghệ có thể mang đến những thay đổi lớn. Nhật Bản, với dân số già hóa, cần xem xét các chiến lược tăng trưởng để khuyến khích sự đổi mới”, theo Akagi. “Sự phát triển của các ngành mới nổi và ảnh hưởng của công nghệ lên nền kinh tế đã làm sáng tỏ tính hiệu quả của chiến lược mũi nhọn thứ ba".
Phương Dung