Phú Quốc xuất khẩu hơn 1 triệu m3 cát nhiễm mặn sang Singapore

(Dân trí) - Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan Phú Quốc (Cục Hải quan Kiên Giang), trong 3 năm liên tiếp gần đây địa phương này đã làm thủ xuất khẩu hơn 1 triệu m3 cát nhiễm mặn sang Singapore, số thu thuế hơn 7,7 tỷ đồng.

Đường đi của cát mặn xuất khẩu của "đảo Ngọc" Phú Quốc chủ yếu sang Singapore do doanh nghiệp Đức Long được Bộ Xây Dựng cấp phép và gia hạn. Loại cát xuất khẩu là cát nhiễm mặn khai thác tại một số dự án ở Phú Quốc, trong đó có dự án nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 Hải quân.

Trong năm 2015, Đức Long khai thác và xuất khẩu hơn 45.800 m3, trị giá hơn 59.500 USD (1,3 tỷ đồng), số thuế nộp khoảng gần 400 triệu đồng.

Xuất khẩu cát nhiễm mặn (ảnh minh hoạ)
Xuất khẩu cát nhiễm mặn (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, trong năm 2016, số cát khai thác và xuất khẩu của Đức Long đã tăng mạnh lên đến 295.000 m3 với tổng trị giá đạt 322.000 USD (7,3 tỷ đồng).

Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2017, lượng cát nhiễm mặn được xuất đi gấp 2 lần so với năm 2016 với gần 620.000 m3, trị giá 715.000 USD (16 tỷ đồng). Số tiền thuế xuất khẩu Đức Long nộp cho Hải quan là khoảng 5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Trong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Quốc, 100% số thuế suất của Chi cục Hải quan Phú Quốc thu được là do xuất khẩu cát nhiễm mặn mang lại. Dù số thuế xuất khẩu lên đến 30% nhưng với trong 3 năm liền, với số xuất khẩu hơn 1 triệu m3, địa phương này mới chỉ thu được tổng cộng 7,7 tỷ đồng.

Ông Trong cho biết, hiện nay số cát nhiễm mặn đã bị tạm ngừng xuất khẩu do từ ngày 18/3 Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu làm rõ hiện trạng xuất khẩu cát sang Singapore. Đây là chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Chính phủ và cũng như phản ánh đúng quan điểm bảo vệ tài nguyên của huyện Phú Quốc bởi hơn ai hết Phú Quốc đang có nhu cầu lớn về san lấp mặt bằng ở nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và du lịch.

Thực tế, trước chỉ đạo dừng xuất khẩu của Chính phủ trong tháng 3/2017, tháng 6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn.

Tuy nhiên, ngày 3/6/2016, Bộ Xây Dựng đã ký văn bản số 1070/BXD-VLXD gia hạn cho công ty Đức Long làm thủ tục xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 Hải quân.

Bộ Xây Dựng giải thích đã nhận được các công văn của Bộ Tư lệnh Hải quân, UBND tỉnh Kiên Giang và của công ty Đức Long kiến nghị về việc gia hạn xuất khẩu cát mặn tận thu từ dự án nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 Hải quân.

Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án theo yêu cầu phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Xây dựng thống nhất gia hạn cho công ty Đức Long làm thủ tục xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu với khối lượng tối đa 826.220m3 trong khoảng thời gian từ 3/6 đến ngày 30/6/2017.

Tuy nhiên, sau khi có lệnh của Chính phủ từ ngày 18/3, tình hình xuất khẩu cát đến nay đã tạm dừng.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, UBND huyện phản đối việc xuất khẩu cát ra nước ngoài.

Ông Hưng cho biết: Đồng ý rằng vì mục đích quốc phòng nên phải nạo vét luồng tàu, song lượng cát tận thu này phải được dùng cho các công trình trên địa bàn huyện bởi nhu cầu cát san lấp ở Phú Quốc hiện nay rất lớn.

Lãnh đạo huyện Phú Quốc nhấn mạnh dù khai thác ở mức cho phép và được kiểm soát chặt chẽ nhưng việc khai thác cát có thể gây sạt lở đối với khu vực xung quanh. Chính vì vậy, huyện Phú Quốc sẽ tiếp tục kiến nghị dừng hẳn xuất khẩu cát ra nước ngoài.

Phó Chủ tịch huyện đảo Phú Quốc cho hay, nhiều dự án hạ tầng, du lịch ở Phú Quốc cần san lấp mặt bằng với khối lượng rất lớn mà nguồn tại chỗ không đủ, phải mua từ đất liền chở ra với chi phí rất đắt đỏ.

Nguyễn Tuyền