Phòng tránh lũ ở miền Trung đã được lên kế hoạch như thế nào?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hai Quyết định phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đã xác định xây dựng các hồ chứa thủy lợi và thủy điện để vận hành có ý nghĩa quan trọng trong cắt giảm lũ từ sau năm 2020.

Nước ta có tiềm năng thủy điện về lý thuyết khoảng 38.000 MW, trong đó có thể khai thác khoảng 29.000 MW khả thi về mặt kinh tế - kỹ thuật và đảm bảo được các tiêu chí về môi trường - xã hội.

Cơ quan nghiên cứu quy hoạch thủy điện đã phối hợp với ngành thủy lợi xem xét gắn nhiệm vụ cắt giảm lũ và bổ sung lưu lượng mùa kiệt cho hạ du.

Phòng tránh lũ ở miền Trung đã được lên kế hoạch như thế nào? - 1

Với khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, thì việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập rất cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội.

Tuy vậy, chúng ta cũng đã bố trí kết hợp được dung tích phòng lũ nhất định tại một số hồ chứa thủy điện như: Trung Sơn trên sông Mã (150 triệu m3), Hủa Na trên sông Chu (100 triệu m3), Bản Vẽ trên sông Cả tại Nghệ An (300 triệu m3), Quảng Trị trên sông Rào Quám (30 triệu m3), Bình Điền trên sông Hữu Trạch (70 triệu m3),...

Khi đợt lũ lịch sử miền Trung hoành hành, dư luận đã đặt câu hỏi: Liệu thủy điện có gây lũ chồng lũ hay không?

Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng nhận đinh: “Thuỷ điện không gây thêm lũ. Thuỷ điện có nhiều lợi ích, một trong những công dụng lớn của thuỷ điện ngoài việc khai thác năng lượng là chống lũ, tạo sự an toàn cho hạ du”.

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc công ty năng lượng Sông Hồng cũng cho rằng “Tôi không đồng tình khi ai đó nói thủy điện gây ra lũ chồng lũ”.

Còn PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội khẳng định “Nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều”.

Trên thực tế tại miền Trung thời gian qua, một số hồ thủy điện đã phát huy tác dụng cắt, giảm lũ cho hạ du với tổng lưu lượng xả qua công trình trên lưu lượng đỉnh lũ về hồ như sau: hồ Quảng Trị là 1.130/1.426 m3/s; hồ Hương Điền là 2.500/4.552 m3/s; hồ Bình Điền là 1.873/3.248 m3/s; hồ Sông Bung 4 là 1.873/3.248 m3/s; hồ Đăk Mi 4 là 796/3.149.5 m3/s; hồ Sông Tranh 2 là 1.501/1.884,8 m3/s.

Nhưng với địa hình dốc và cắt như miền Trung, không thể xây dựng những hồ thủy điện tầm cỡ, có khả năng chặn đứng mưa lũ như ở miền Bắc với Thủy điện Sơn La, hay Lai Châu.

Phòng tránh lũ ở miền Trung đã được lên kế hoạch như thế nào? - 2

Việc xây dựng các hồ chứa thủy lợi và thủy điện để vận hành ở miêng Trung chỉ có có ý nghĩatrong cắt giảm lũ đối với các trận lũ nhỏ, lũ thường xuyên ở miền Trung.

Vì vậy, từ đầu những năm 2000, kế hoạch phòng tránh lũ cho miền Trung được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua soạn thảo, trình và Thủ tướng ra Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam.

Trong đó, xác định xây dựng một số công trình nhằm cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư ven biển miền Trung.

Cụ thể là xây dựng các hồ chứa Cửa Đạt, Tả Trạch, Bản Mồng, Ngàn Trươi, Thác Muối, Chúc A, Thạch Nham, Tân An - Đập Đá, Lại Giang, Đồng Mít, Định Bình, Sông Trò 1 (hồ thủy lợi); Bản Vẽ, Bình Điền, Sông Tranh 2, A Vương, Đak Đrinh, Sông Ba Hạ, Ea Krong Ru (hồ thủy điện).

Đồng thời, củng cố đê các sông Mã, Chu, Cả và La để chống được lũ 1% từ sau năm 2020; củng cố các đê sông khác từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế để chống lũ Hè Thu và lũ muộn, chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ chính vụ; ngăn lũ sớm và tiêu thoát lũ cuối vụ đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu với mức đảm bảo 5-10% cho khu vực Nam Trung Bộ.

Phòng tránh lũ ở miền Trung đã được lên kế hoạch như thế nào? - 3

Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp ổn định lòng dẫn, chỉnh trị sông, chống bồi lắng cửa các sông Thu Bồn, Ba, Lại Giang, Trà Khúc, Trà Câu, Bàn Thạch và Cái Nha Trang.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục trình và Thủ tướng đã ra Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 Phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết định 33 cũng yêu cầu nâng cao khả năng chống lũ tại các lưu vực sông lớn ở Bắc Trung bộ với mức bảo đảm chống lũ sau năm 2020 là < 1% đối với sông Hương, sông Cả và < 7% đối với sông Hương.

Bên cạnh đó, chủ động phòng, tránh và thích nghi với lũ để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông thuộc duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu, Đông Xuân với tần suất lũ 5% đến 10%;

Từ Chiến lược phát triển thủy lợi nêu trên cho thấy, theo kế hoạch, mức bảo đảm chống lũ ở khu vực này phải sau năm 2020 mới có kết quả và cũng chỉ với những tỷ lệ nhất định, không cao.