Phòng, chống rửa tiền: Nghi nhiều, không biết rửa... bao nhiêu

Dù số lượng các giao dịch đáng ngờ có liên quan đến rửa tiền lên tới con số 51.000 tỉ đồng, vẫn chưa có bất kỳ giao dịch nào được cơ quan điều tra kết luận là… rửa tiền.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Nghi ngờ là chính

Con số 51.000 tỉ đồng giao dịch đáng ngờ chỉ riêng trong năm 2012 vừa được cơ quan ngân hàng trung ương gửi lên Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền cũng là những con số cụ thể đầu tiên liên quan đến hoạt động này, được chính thức công bố cho đến thời điểm hiện nay.

Cùng với 160 báo cáo giao dịch đáng ngờ có liên quan đến hoạt động rửa tiền được chuyển lên cơ quan công an xác minh, con số trên đây cho thấy quy mô của các giao dịch đáng ngờ có liên quan đến rửa tiền ngày càng tăng mạnh.

Bởi vào thời điểm tháng 7.2008, Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền (nay là Cục Phòng, chống rửa tiền - NHNN) sau 2 năm thành lập mới nhận được 20 báo cáo về các giao dịch đáng ngờ.

Một thông tin đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền - ông Nguyễn Văn Ngọc - số lượng các giao dịch đáng ngờ nói trên chủ yếu thuộc lĩnh vực ngân hàng (NH), trong khi chỉ có một vài giao dịch thuộc lĩnh vực chứng khoán và bất động sản.

Con số ít ỏi ở lĩnh vực chứng khoán và bất động sản - theo người đứng đầu cơ quan phòng, chống rửa tiền - không đồng nghĩa với việc hai lĩnh vực này hoàn toàn “sạch”, mà có thể do nhân viên ở hai lĩnh vực này còn yếu năng lực thẩm định.

Ngoài số lượng các giao dịch cũng như 160 báo cáo giao dịch đáng ngờ có liên quan đến hoạt động rửa tiền được gửi tới cơ quan công an trên đây, Việt Nam cho tới nay vẫn chưa phát hiện một vụ rửa tiền cụ thể nào.

Thực tế cho thấy, trong khi việc thu thập chứng cứ để kết tội giao dịch liên quan tới rửa tiền rất khó và đòi hỏi sự phối hợp của các bộ ngành, các báo cáo về giao dịch giá trị lớn hiện nay lại chủ yếu do các NH báo cáo lên NHNN, bao gồm cả các NH trong nước, chi nhánh NH nước ngoài và NH 100% vốn nước ngoài. “Do đó ở Việt Nam bây giờ, chưa thể đánh giá rửa tiền ở lĩnh vực nào nhiều” - ông Ngọc nói.

Trách nhiệm?

Đặt ra câu hỏi về trách nhiệm chính trong việc phòng, chống tội phạm rửa tiền hiện nay có thuộc về NHNN hay không, đại diện cơ quan phòng, chống rửa tiền cho rằng, nó thuộc về nhiều cơ quan và tổ chức chứ không riêng NHNN.

Cụ thể NHNN có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền quản lý của NHNN như các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài.

Còn Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, casino trong khi trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản thuộc về Bộ Xây dựng.

Trường hợp có nghi ngờ về rửa tiền, các định chế tài chính và phi tài chính ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề phải gửi báo cáo đáng ngờ về Cục Phòng, chống rửa tiền chứ không gửi về cơ quan quản lý, tức không qua trung gian.

Cơ quan phòng, chống rửa tiền cũng có thể trực tiếp đề nghị kiểm tra thông tin nghi ngờ liên quan đến DN không thuộc hệ thống NH và khi có cơ sở, sẽ chuyển cho cơ quan điều tra xem xét để điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Do đó, để công tác phòng, chống rửa tiền hiệu quả hơn, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường nguồn lực về nhân sự, tài chính, kỹ thuật và quyền hạn cho các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền, Cục trưởng Nguyễn Văn Ngọc cho rằng, trong thời gian tới cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành cũng phải được tăng cường. Ở khía cạnh khác, nếu dựa vào nhóm khuyến nghị 49 theo chuẩn mực quốc tế, ông Ngọc nhìn nhận, Chính phủ phải thành lập một ban để đánh giá về rửa tiền.

Siết các giao dịch liên quan đến vàng:

Theo một dự thảo của NHNN, thời gian tới khi mua vàng từ 300 triệu đồng trở lên, người mua phải chứng minh nhân thân bằng cách xuất trình chứng minh thư nhân dân. Các đơn vị giao dịch vàng theo đó sẽ phải ghi chép rất chi tiết thông tin của người đi mua vàng.

Đây là một quy định nằm trong kế hoạch giám sát các giao dịch lớn, phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền. Các tổ chức tín dụng và DN trước đó cũng được yêu cầu phải chấp hành nghiêm túc các chế độ hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.
    Theo Văn Nguyễn