Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ chuyện ép buộc, lôi kéo khách mua bảo hiểm
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, làm rõ tình trạng ép buộc, lôi kéo khách của các ngân hàng tham gia bán chéo bảo hiểm; bên cạnh đó phối hợp với Bộ Tài chính để thanh, kiểm tra, giám sát...
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ.
Phó Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ. Số lượng người tham gia ngày càng tăng. Giai đoạn 2018-2022, thị trường tăng trưởng ở mức khá cao, trung bình khoảng 21%/năm, góp phần thực hiện an sinh xã hội, huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế...
Tuy nhiên, vừa qua, một số phương tiện truyền thông đưa tin phản ánh của người dân liên quan tới việc tham gia bảo hiểm nhân thọ như: có tình trạng nhân viên ngân hàng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm. Doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng, thiếu minh bạch. Thực tế này dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng. Chất lượng dịch vụ sau bán hàng chưa tốt.
Thực trạng trên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, do đặc thù của hợp đồng bảo hiểm là dài hạn, có nhiều thuật ngữ chuyên môn sâu; việc giao chỉ tiêu doanh số bán hàng; tâm lý của người tham gia bảo hiểm và việc kiểm soát chất lượng dịch vụ sau bán hàng.
Để phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Trong đó cần nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm; giám sát hoạt động tư vấn của đại lý, bảo đảm minh bạch thông tin với khách hàng.
Bên cạnh đó là nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp, triệt để khắc phục những bất cập.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm. Bộ này cần tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ, bảo đảm việc triển khai đúng quy định, thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về hợp đồng bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các ngân hàng cần khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ, bảo đảm việc triển khai đúng quy định. Ngân hàng cũng thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về hợp đồng bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao rà soát, làm rõ thông tin phản ánh về những tồn tại, bất cập có liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng, đặc biệt là tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm. Đơn vị này cần có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng. Theo đó, các thông tin liên quan đến hoạt động này cần đảm bảo tính khách quan. Các cá nhân, tổ chức có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang, làm ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bảo hiểm cần được xử lý nghiêm theo quy định.
Đặc biệt, Bộ Công an phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự của thị trường, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm.