Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Sức khỏe” doanh nghiệp giờ ra sao?

(Dân trí) - Đặt ra câu hỏi “sức khỏe” của các doanh nghiệp hiện nay ra sao? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh “phải coi trọng chất lượng doanh nghiệp, thà ít mà tốt còn hơn nhiều mà hoạt động kinh doanh kém. Chỉ số “sức khoẻ” của doanh nghiệp chính là thu nhập của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động”.

Vấn đề nói trên được bàn thảo tại cuộc họp chuẩn bị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 diễn ra sáng nay (9/2), tại trụ sở Chính phủ.

“Nóng trên nhưng lạnh dưới!”

Nêu kết quả thực hiện Nghị quyết 35, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2016 ghi nhận lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đạt kỷ lục cao chưa từng có. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt hơn 110.100 doanh nghiệp, cao nhất về chất lượng từ trước tới nay.

Về đầu tư nước ngoài (FDI), cả năm 2016 có 2/613 dự án mới, tăng 23,3%; tổng số vốn đăng ký đạt 26,89 tỷ USD, tăng 11,5%; vốn giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước tới nay.

Tại cuộc họp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra ý kiến về việc nhiều địa phương thực hiện Nghị quyết 35 theo tính hình thức: “Không khí thực hiện Nghị quyết 35 ở cấp Chính phủ rất hừng hực, nhưng triển khai ở địa phương thì rất lạnh lẽo, không đồng bộ, ít chuyển biến, dẫn tới tình trạng nóng trên nhưng lạnh dưới ”.

Chủ tịch VCCI cho rằng, trong chương trình hành động, đa số các địa phương chưa đề cao vai trò của các tổ chức đoàn thể như Mặt trận tổ quốc trong việc giám sát và thúc đẩy thực hiện Nghị quyết.

Cuộc họp sáng 9/2 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp
Cuộc họp sáng 9/2 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp

Tiếp lời Chủ tịch VCCI về vấn đề “trên nóng nhưng dưới lạnh”, ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương - nhìn nhận có thể là có chuyện đó. Đồng thời cho rằng nên đặt ra mục tiêu phấn đấu để cải thiện tình hình.

“Chúng ta nên phấn đấu từ trên nóng dưới lạnh thành trên nóng dưới ấm, sau đó là trên dưới nóng và cuối cùng là trên nóng dưới sốt, cố gắng 2020 sẽ là trên nóng dưới sốt” - ông Phạm Việt Thanh nói.

Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Phạm Việt Thanh cũng thẳng thắn đưa ra tình hình của 32 Tập đoàn, Tổng Công ty và ngân hàng trong khối. Cụ thể, năm 2016 kết quả doanh thu thấp hơn năm 2015, không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân do công nghiệp khai khoáng than và dầu khí sản lượng tăng nhưng doanh nghiệp không đạt, giá bán thấp.

Tuy doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp trong khối năm 2016 tăng hơn 2015 xấp xỉ 9%, ông Thanh cho rằng, rõ ràng các doanh nghiệp Nhà nước bắt đầu đi vào chiều sâu, đi vào chất lượng. Ở đây, doanh nghiệp nào thực sự tái cơ cấu toàn diện, nghiêm túc thì sau 2 năm có kết quả, doanh nghiệp nào tái cơ cấu đối phó thì sau 2-3 cổ phần vẫn không đạt kết quả.

Đáng nói, ông Thanh nêu “câu chuyện dài” là doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng nói rõ quan điểm một doanh nghiệp thì nhiệm vụ chính trị không phải là tất cả.

“Đôi lúc doanh nghiệp đã lợi dụng nhiệm vụ chính trị để biện minh cho hiệu quả kinh doanh thua lỗ, lợi nhuận kém… Việc này phải công bằng và rõ ràng để hoạt động cạnh tranh kinh doanh được minh bạch, lành mạnh” – ông Thanh thẳng thắn.

Đo “sức khỏe” doanh nghiệp!

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề về “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện nay ra sao. Trong đó, Phó Thủ tướng nêu lên hàng loạt câu hỏi: Trong số lượng doanh nghiệp hiện có, bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động, bao nhiêu doanh nghiệp có đăng ký mã số thuế và bao nhiêu doanh nghiệp tăng sinh thuế? Tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi trong năm 2016 so với các năm trước đó ra sao? Vấn đề này phải có báo cáo hàng năm rõ ràng.

Theo Phó Thủ tướng, nếu chỉ đánh giá về số lượng doanh nghiệp thì không được, trong bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp chỉ rõ đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế thể hiện ở 2 chỉ số là lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra và thu nhập của người lao động, 2 chỉ số này cũng chính là thước đo “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sức khỏe của doanh nghiệp giờ ra sao?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Sức khỏe của doanh nghiệp giờ ra sao?"

“Mục đích ở đây là khẳng định doanh nghiệp ra đời và đi vào hoạt động nhưng hiệu quả ra sao, chứ không phải là thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp. Thà ít mà tốt còn hơn là nhiều mà hiệu quả kém, một doanh nghiệp hoạt động bằng 5-7 doanh nghiệp khác thì không cần phải số lượng doanh nghiệp. Đây là việc năm 2017 các bộ ngành phải tập trung làm” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.

Nhấn mạnh đến con số 110.100 doanh nghiệp thành lập mới Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, Phó Thủ tướng cho rằng, phải nêu rõ doanh nghiệp đó nằm ở đâu, địa chỉ cụ thể nào, phải công khai và rõ ràng để chú trọng đến chất lượng chứ không phải là con số bao nhiêu doanh nghiệp, bởi có thể có tỉnh cả năm lèo tèo chỉ có một vài doanh nghiệp nhưng lãnh đạo nào cũng nhìn con số 110.100 doanh nghiệp cũng tưởng là của mình.

“Phải có thống kê chi tiết từng tỉnh, thành. VCCI nói rằng có tình trạng nóng trên lạnh dưới, vậy lạnh dưới là lạnh ở đâu? Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký 1.320 doanh nghiệp, vậy còn 23 tỉnh thành khác đứng ngoài cuộc? Báo cáo nói rằng có 20 tỉnh và 6 bộ có chương trình hành động theo Nghị quyết 35, vậy 43 tỉnh thành và các bộ ngành khác thì không làm gì? Tôi yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có số lượng cụ thể, ai làm, ai chưa làm” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nói rõ đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải theo 3 hướng là thuận lợi, chi phí thấp, ít rủi ro pháp lý. Hướng tới môi trường đầu tư kinh doanh tốt để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Phải tạo điều kiện thuận lợi thương mại lớn nhất cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải chỉ nói là tháo gỡ khó khăn.

Được biết, sắp tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp lần thứ 2 trong nhiệm kỳ. Năm 2016, trong những ngày đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tại TPHCM, khởi đầu cho mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp.

Châu Như Quỳnh