Hơn một nửa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam làm ăn không có lãi

(Dân trí) - Khẳng định quan điểm cần phải chú trọng phát triển khối doanh nghiệp tư nhân để đưa khu vực này trở thành động lực chính của nền kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng dẫn ra con số đáng lo ngại: hiện có tới 58% doanh nghiệp tư nhân không có thu nhập để nộp thuế, chỉ có 42% doanh nghiệp làm ăn có lãi (chưa bàn đến lãi ít hay nhiều).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI (ảnh: DĐDN)
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI (ảnh: DĐDN)

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế năm 2017 với chủ đề “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020” diễn ra sáng nay (2/12), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mục tiêu của tái cơ cấu kinh tế là phải làm cho khu vực DN tư nhân mạnh hơn và đóng vai trò quyết định đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, từ góc độ là người “ăn ngủ cùng DN nhiều năm”, ông Tuấn nhìn nhận, sức khỏe của nền kinh tế và sức khỏe của kinh tế tư nhân đang tồn tại những vấn đề đáng ngại.

“Nền kinh tế có 4 động cơ gồm: khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, nông nghiệp hộ gia đình - cá thể và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì 3 động cơ trục trặc, chỉ có khu vực FDI là vận hành hiệu quả”, ông Đậu Anh Tuấn dẫn nhận định của Fulbright cho hay.

Tuy nhiên, theo vị diễn giả, khu vực FDI về lâu dài không thể là động lực để phát triển nền kinh tế bởi qua nghiên cứu của VCCI thì động cơ để các DN FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là do chi phí rẻ (vốn dĩ không thể kéo dài). Chính vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần phải tập trung phát triển để kinh tế tư nhân phát triển.

Vấn đề nằm ở chỗ, theo khảo sát của VCCI đối với 10.000 doanh nghiệp thì khu vực DN tư nhân đang càng ngày càng nhỏ đi và hoạt động kém hiệu quả hơn, năng suất lao động thấp. Số liệu đáng chú ý từ Tổng cục Thuế đó là có tới 58% DN tư nhân chính thức không có thu nhập để nộp thuế, như vậy chỉ có 42% DN là có lãi (chưa bàn đến là lãi nhiều hay ít).

Trong khi đó, về xuất khẩu thì với 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam có đến 8 đồng do DN có vốn đầu tư nước ngoài mang lại.

Ngoài ra, theo Báo cáo Việt Nam 2035, năng suất sử dụng vốn và tài sản của DN tư nhân Việt Nam đang có xu hướng giảm dần, về gần với DNNN, đây là một tín hiệu không tốt. Nguyên nhân là do không có vốn, quy mô nhỏ nên khối DN này vẫn loay hoay với bài toán phát triển.

“Có thể thấy là DN tư nhân có nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, bất lợi khi tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn so với DN FDI, DNNN. Hơn nữa, chỉ có 30% đến 40% số lượng DN tư nhân tiếp cận được với vốn ngân hàng so với DNNN là 80%, nguyên nhân là do có thông tin ít hơn; tiếp cận được các chính sách hỗ trợ ít hơn; trình độ quản trị, công nghệ yếu hơn và ít kinh nghiệm trên thị trường”, ông Tuấn phân tích.

Do đó, để có thể đưa DN tư nhân trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế thì cần thiết phải tạo được điều kiện bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các thành phần kinh tế. Nguồn lực phải đến được với những DN có năng lực tốt nhất chứ không phải là những DN có vị thế và có quan hệ tốt.

Thêm vào đó, ông Tuấn cũng chỉ ra điểm bất cập trong các chính sách kinh tế ở Việt Nam là chính sách ban hành ra chủ yếu dành cho những DN lớn, trong khi không có DN nhỏ thì làm sao có DN lớn, và nếu không có DN nhỏ tham gia thị trường thì làm sao tạo ra sức ép để DN lớn đổi mới, sáng tạo?

Ngoài ra, theo đại diện VCCI, một tâm lý đáng quan ngại đang tồn tại trong khu vực DN tư nhân Việt Nam đó là tâm lý “không muốn lớn”, cho rằng “khôn dựng trại, dại dựng nhà”, làm ăn nhùng nhằng, không phát triển vì càng lớn lại càng chịu sức ép về thanh tra, kiểm tra và càng bị xử phạt nhiều.

Đây là những vấn đề mà theo ông Đậu Anh Tuấn, trong quá trình triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế thời gian tới phải giải quyết và tháo gỡ, để làm sao giúp khu vực kinh tế tư nhân đóng được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Phải chú trọng đến chất lượng của DN tư nhân chứ không phải chỉ là hướng đến số lượng có 1 triệu DN hoạt động năm 2020. Theo đó, làm thế nào để 1 triệu DN này là những DN hoạt động có hiệu quả và có chất lượng.

Bích Diệp