Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Nợ công của Việt Nam vẫn an toàn”
(Dân trí) - Khẳng định trước Quốc hội về sự an toàn của nợ công hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói: “Đến cuối 2012, nợ công tương đương 55,5% GDP; trong đó nợ Chính phủ là 43,1%, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 11,5% và nợ Chính quyền địa phương là 0,9% GDP”.
Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 20/5 vừa qua, dư nợ công, dư nợ chính phủ, dư nợ nước ngoài quốc gia tiếp tục nằm trong giới hạn an toàn cho phép. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2012, nợ công của Việt Nam ở mức 54,1% GDP.
Tuy nhiên, tại báo cáo nghiên cứu “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam”, Uỷ ban Kinh tế cho biết, tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 54,9% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 30,9% và 24,0% GDP. Các con số tương ứng ước tính cho năm 2012 là 55,4% GDP; 29,6% GDP và 25,8% GDP.
Theo một tính toán, nếu nợ công của Việt Nam đã lên tới 95% GDP, thì cả nước làm ra 136 tỷ USD trong năm ngoái sẽ phải trả nợ 120 tỷ USD. Trước những số liệu không thống nhất về nợ công của Việt Nam, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thái độ nghi ngại khi không có chỉ tiêu nào để giám sát vấn đề nợ công thế nào là an toàn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng: “Nhiều báo cáo đưa ra nhiều số liệu khác nhau, đặc biệt là số liệu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà chính phủ bảo lãnh cho vay chưa được thống kê một cách cụ thể, nên cũng rất khó để có ý kiến chính thức. Nếu có được số liệu chính xác thì Quốc hội sẽ có cơ sở để tham gia cùng chính phủ điều hành nền kinh tế vĩ mô trong thời gian lâu dài và bền vững hơn, ổn định hơn”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi bên hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Theo khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tính đến 31/12/2012, nợ công của chúng ta hiện tương đương 55,5% GDP; trong đó nợ Chính phủ là 43,1%, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 11,5% và nợ Chính quyền địa phương là 0,9% GDP. Chiếu theo Luật nợ công năm 2009, tại Khoản 2 Điều 1, thì nợ công của chúng ta gồm có nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính quyền địa phương.
Trước một số ý kiến nói là nợ công của chúng ta còn cao, đặc biệt còn có ý kiến đề nghị tính nợ của các doanh nghiệp nhà nước vay của các tổ chức tín dụng, vay của nhà nước, vay trong ngoài nước, Phó Thủ tướng nói: “Trong nợ của doanh nghiệp nhà nước có nợ Chính phủ bảo lãnh và Chính phủ vay về cho vay lại thì khoản nợ này đã được tính trong nợ công theo quy định của Luật Nợ công. Còn nợ vay của các tổ chức tín dụng, thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng thì các tổ chức tín dụng và ngân hàng kiểm tra, kiểm soát, thẩm định các dự án trên cơ sở đó cho vay và yêu cầu các doanh nghiệp phải tự vay và tự trả”.
Nói về dự định của Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét cho phát hành thêm 58.000 tỷ đồng trái phiếu để thực hiện các dự án trên Quốc lộ 1A và tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua Tây Nguyên) có ảnh hưởng gì đến nợ công hay không, Phó Thủ tướng cho hay: Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính tính toán các cân đối vĩ mô để đề xuất việc phát hành trái phiếu Chính phủ.
Với việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho hai dự án: Dự án Quốc lộ 1, Dự án đường 14, theo Phó Thủ tướng, đây là một chủ trương đã được Ban chấp hành Trung ương có nghị quyết, Quốc hội có nghị quyết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có những vướng mắc. “Chúng tôi xin phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng Nghị quyết của Quốc hội thì trái phiếu Chính phủ có bảo lãnh cho nên chưa thực hiện được. Trong Dự án Quốc lộ 1 này đã có rất nhiều đoạn, những dự án đã thực hiện BOT. Giả dụ chúng ta phát hành khoảng 60.000 tỷ cho hai dự án này thì tăng nợ công khoảng trên 2%, GDP của chúng ta hiện nay khoảng 2.951.000 tỷ gọi tròn là 3 triệu tỷ, tính ra 60.000 tỷ/3 triệu tỷ thì nợ công tăng khoảng trên 2%”, Phó Thủ tướng ví dụ.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đang cho rà soát tiếp các dự án có khả năng thực hiện từ nay đến 2015 hết vốn nhưng chưa hoàn thành, hoặc những dự án quan trọng có tác động lan toả lớn đến thay đổi cơ cấu của nền kinh tế hoặc của từng vùng sẽ rà soát và xem xét một cách thận trọng. “Chính phủ sẽ kiến nghị và trình với Quốc hội cho xem xét việc mở rộng việc trái phiếu Chính phủ, như vậy nợ công của chúng ta vẫn an toàn”, đại diện Chính phủ nói thêm.
Đề cập tới cân đối ngân sách Nhà nước năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết: Qua 5 tháng thực hiện, thu ngân sách Nhà nước đạt được 36,6% bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2012, nếu so cùng kỳ của năm 2010 thì thấp hơn rất nhiều, năm 2010 đạt 43,7% tăng 18,5%; Năm 2011 đạt 45,9% tăng 22,2%. Năm 2012 rất khó khăn nhưng cũng đã đạt 38,1% và tăng 1,9%.
“Qua thống kê chúng tôi thấy 46/63 địa phương thu chưa đạt được mức bình quân chung của các năm, mới đạt được dưới 42%, trong đó có rất nhiều địa phương trọng điểm thu và có những nguồn thu lớn của ngân sách. Nếu tính bình quân thu một tháng thì theo dự toán Quốc hội giao chúng ta phải thu đạt 68.000 tỷ đồng/1 tháng. Tuy nhiên, qua 5 tháng chúng ta mới đạt 52.200 tỷ đồng. Như vậy, chênh lệch giảm 15.800 tỷ đồng. Đây là một báo hiệu thu ngân sách gặp rất khó khăn và dự báo cả năm khó có thể đạt được kế hoạch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền