Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cách mạng 4.0 phải đi từ xoá mù tri thức và công nghệ

(Dân trí) - Trí tuệ phải đào tạo con người, sáng tạo cá nhân, trước đây chúng ta học để biết, học để làm, bây giờ học để thay đổi thế giới quan cho tốt hơn, đưa vào để học sinh học từ nhỏ xíu trở lên. Trước đây chúng ta phải xoá mù chữ, giờ phải xoá mù tri thức công nghệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thẳng thắn chia sẻ với các đại biểu, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về thực tế cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đã và đang thay đổi khắp nơi trên thế giới và trong đó Việt Nam cũng có ứng dụng vài ngành, lĩnh vực nhưng chưa phải quy mô lớn.

Một số ứng dụng công nghệ hiện đại được doanh nghiệp Việt ứng dụng
Một số ứng dụng công nghệ hiện đại được doanh nghiệp Việt ứng dụng

Trên thực tế, nhiều nước phát triển đã coi trí tuệ nhân tạo (AI), các kỹ thuật công nghệ chuyên ngành như Fintech, Blockchain... được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhiều nước đã coi công nghệ là cơ hội kinh doanh, là phương tiện giúp các nước đang và kém phát triển bắt nhịp và thu hẹp khoảng cách trong các ngành, lĩnh vực dịch vụ, giao dịch quốc tế và kinh tế kết nối...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, muốn phát triển Cách mạng 4.0 cần phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Tại Việt Nam, chúng ta vẫn mới chỉ phát triển ở mức độ nhất định, cần kiên quyết và mạnh mẽ hơn.

"Đặc biệt với cơ quan của chính phủ, doanh nghiệp, cần mạnh mẽ ứng dụng KHCN thông tin vào trong chỉ đạo điều hành để từng bước phù hợp với thực tiễn", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng: Mặc dù các cơ hội và thách thức do Cách mạng 4.0 còn tạo ra sự tranh luận, nhưng nó đang diễn ra trên thế giới. Nhận thức được rồi nhưng quan trọng phải hành động.

"Cách mạng có thời cơ, thời cơ bình đẳng mọi quốc gia nhưng với quốc gia thu nhập thấp như Việt Nam rất dễ bỏ lại phía sau nếu không có hành động. Hành động trong Chính phủ, các bộ ngành, các cấp và hành động của người dân và doanh nghiệp", Phó Thủ tướng khẳng định.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng: Dù gì Cách mạng 4.0 cũng bắt đầu bằng công nghiệp, kỹ thuật. Chính vì vậy, Việt Nam phải đổi mới bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia. Trước đây chúng ta chủ yếu dựa vào các Viện nghiên cứu, các Đại học, Cao đẳng... Nhưng bây giờ cần hệ thống sáng tạo mới, doanh nghiệp và cá nhân là chủ thể trung tâm, các trường đại học có vai trò hỗ trợ, tăng yêu cầu nghiên cứu.

Phó Thủ tướng khẳng định: "Phải khơi dậy sự sáng tạo, tôn vinh sự sáng tạo mọi cá nhân, trang bị kiến thức tri thức công nghệ của mỗi cá nhân để họ thấy rõ những thay đổi nhanh chóng của Cách mạng 4.0 đối với đời sống xã hội và chính họ".

"Trước đây chúng ta đã có chiến lược xóa mù chữ (Giệt giặc dốt - những năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công 1945 - PV), giờ là lúc chúng ta phải xóa mù tri thức công nghệ cho người dân", Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ nói: Xóa mù tri thức, công nghệ là phải nhấn mạnh vào việc đào tạo con người, tôn vinh sáng tạo cá nhân. Trước đây chúng ta học để hiểu biết, học để làm nhưng bây giờ phải học để thay đổi thế giới cho tốt hơn, đưa các chương trình nhận biết cho học sinh từ nhỏ xíu trở lên.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra những thách thức và rủi ro của Cách mạng 4.0 mang lại cho con người như: Mất việc làm ở các ngành, lĩnh vực thiếu sáng tạo, tính chất giản đơn, dây truyền; thách thức khi thế giới quan thay đổi, tính kết nối nhanh hơn, công khai hơn. Đặc biệt là robot có thể thay thế con người trong các ngành và lĩnh vực cơ bản, khiến phần lớn lao động ở những ngành có kỹ năng thấp bị thất nghiệp.

"Đặc tính nổi bật Cách mạng 4.0 là tăng cường kết nối, kết nối thiết bị với con người, đặc biệt con người với con người. Kết nối thông minh thì từng người không bị bỏ lại phía sau, người Việt Nam không thể bị bỏ lại phía sau", Phó Thủ tướng nói.

Nguyễn Tuyền

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cách mạng 4.0 phải đi từ xoá mù tri thức và công nghệ - 2