Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu báo cáo về "công trình sai lầm thế kỷ"

(Dân trí) - Ngay sau khi nghe đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành phản ánh công trình thủy điện An Khê - Kanak chưa hợp lý đã ảnh hưởng đến hàng triệu người dân ở Gia Lai, Phú Yên, cho rằng đây là "công trình sai lầm thế kỷ", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức yêu cầu Bộ Công thương và EVN phải có báo cáo và khắc phục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao (ảnh: Việt Hưng)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao (ảnh: Việt Hưng)

Chiều ngày 2/4, Văn phòng Chính phủ có thông báo cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành Hồ chứa thủy điện An Khê-Kanak thời gian vừa qua.

Đồng thời, các đơn vị này được giao phải đề xuất giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân vùng hạ lưu sông Ba (thuộc tỉnh Gia Lai và Phú Yên) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2016.

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 ngày 1/4, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (Gia Lai) cho biết, việc phát triển thủy điện nhiều nơi chưa hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Đồng thời đánh giá, công trình thủy điện An Khê - Kanak là "công trình sai lầm thế kỷ".

"Vì sao vậy? Vì trên thế giới không có một đất nước nào mà người ta chặn hẳn một dòng sông lớn, chuyển qua dòng sông khác. Nếu có chặn thì người ta chặn suối, không bao giờ chặn sông lớn, nhưng chỉ có Việt Nam mình liều lĩnh chặn một dòng sông lớn như vậy" - ông Thành lý giải.

Điều này đã để lại hệ quả là không có năm nào kể từ khi An Khê - Kanak hoàn thành mà không có hạn hán, không có lũ lụt dẫn đến thiệt hại đối với dân. Tình trạng này diễn ra không những ở Gia Lai mà cả Phú Yên khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng.

Trước Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thành đề nghị phải khắc phục sai lầm về đầu tư công trình thủy điện An Khê - Ka Nak.

Ông Thành cho rằng, Chính phủ cần bàn nhiều biện pháp, bằng sự giám sát, kiểm tra, phải trả lại nước cho dòng sông bằng ít nhất 20% lưu lượng trung bình trước khi xây dựng đập. Ví dụ, trước đây là 100 m3/s thì bây giờ ít nhất phải 20 m3/s. Cần thiết ngưng một tổ máy phát điện cũng được, phải ưu tiên đời sống của dân trước.

Đề cập đến vấn đề ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt hạn hán, xâm nhập mặn, vị đại biểu nói: "Nghiệm lại tôi thấy đây là quy luật về nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả đấy"

Tình hình vừa qua có nguyên nhân chủ quan từ con người, đó là việc khai thác tài nguyên rừng, nước ngầm vượt quá mức cho phép. Hệ quả là, ở Tây Nguyên những vùng như cà phê, cao su là mực nước ngầm xuống rất thấp, đa số cạn kiệt trong tình hình bất lợi như thiên tai vừa rồi - vị đại biểu kết luận.

Bích Diệp