Phó Thủ tướng: “Mở rộng cơ sở thuế nhưng không được lạm thu!”
(Dân trí) - Nêu rõ yêu cầu với ngành tài chính phải phấn đấu thu ngân sách Nhà nước vượt 5-8% so với kế hoạch bằng cách mở rộng cơ sở tính thuế thuế để tăng thu nội địa nhưng đồng thời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý “không lạm thu”.
Còn 300.000 tỷ đồng “vốn mồi” chưa giải ngân
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, trong ngày hôm qua (5/7), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dự hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai từ nay tới cuối năm do Bộ Tài chính tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá ngành tài chính đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao và phối hợp hiệu quả với các công cụ kinh tế vĩ mô khác, đạt nhiều kết quả tích cực.
Chính sách tài khoá chặt chẽ đã góp phần bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và được tăng cường, mặc dù từ đầu năm nền kinh tế chịu nhiều áp lực lớn từ tỉ giá, lãi suất và lạm phát, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 2 lần tăng lãi suất đồng USD.
Nền kinh tế nhập siêu 2,7 tỷ USD, nhưng tỷ giá vẫn được duy trì ổn định, lạm phát thực từ đầu năm tới nay chỉ tăng 0,2%. Tăng trưởng của quý II có bước tăng mạnh (hơn 1%) so với quý I, nhờ vậy cả 6 tháng tăng trưởng đạt 5,3%, cao hơn cùng kỳ 2016.
Phó Thủ tướng đánh giá nhiệm vụ thu ngân sách đạt khá, tuy chưa được 50% dự toán nhưng tăng 13,9% so với cùng kỳ và cuối năm sẽ có nhiều cơ hội thu tốt hơn. Thị trường chứng khoán, thị trường vốn có khởi sắc, nhất là thị trường trái phiếu Chính phủ đã phát hành được 68% kế hoạch năm với kỳ hạn dài và lãi suất thấp (kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ 6 tháng đầu năm bình quân là 14,1 năm, lãi suất bình quân khoảng 6,3%/năm).
Bộ cũng quan tâm xây dựng thể chế, điều hành tốt giá cả, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thuế, hải quan, kho bạc và củng cố cơ chế 1 cửa quốc gia.
Bên cạnh thuận lợi, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn và trách nhiệm của ngành như giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
“Kể cả vốn Nhà nước từ năm trước chuyển sang năm nay chưa giải ngân được là 300.000 tỷ đồng. Với mức “vốn mồi” này mà giải ngân kịp thời, có thể thu hút khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư của xã hội cho phát triển kinh tế”, lãnh đạo Chính phủ phân tích và đề nghị Bộ Tài chính cần phối hợp tốt hơn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong giải ngân nguồn này.
Bất thường 2 doanh nghiệp thành lập mới có 1 doanh nghiệp ngừng hoạt động
Theo tính toán, cứ 2 doanh nghiệp thành lập mới thì có 1 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Cho rằng đây là tỉ lệ bất thường trong 6 tháng đầu năm và đa số là doanh nghiệp có tỉ lệ vốn mỏng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính bằng cơ chế, chính sách được giao thực hiện phải cải thiện chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hoá, thoái vốn còn chậm chưa đạt mục tiêu như mong muốn; các đề án tái cơ cấu ngành bảo hiểm, chứng khoán chưa rõ ràng.
Đồng tình với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh toàn ngành tập trung cao độ hoàn thành và vượt mức thu chi ngân sách năm 2017 này.
Ông nêu rõ yêu cầu: “Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước vượt 5-8% so với kế hoạch bằng cách mở rộng cơ sở tính thuế thuế để tăng thu nội địa nhưng không lạm thu”, Phó Thủ tướng đặt yêu cầu với ngành tài chính.
Về nhiệm vụ chi ngân sách, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu theo sát tinh thần Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị là chi theo dự toán. Nếu bộ, ngành và địa phương thu không đạt dự toán thì phải có nguồn tài chính bù đắp, nếu bù đắp không đủ dự toán thì cắt giảm chi tương ứng.
“Bây giờ kỷ luật ngân sách là quốc sách, cùng với bảo đảm tăng trưởng kinh tế để giữ an toàn nợ công”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bịt các lỗ hổng của pháp luật về cổ phần hoá, định giá và sử dụng đất đai; xử lý nhanh yếu kém tài chính của các doanh nghiệp ngành công thương, chủ trì dự báo và đề xuất bổ sung thêm danh sách các dự án, doanh nghiệp yếu kém khác để tập trung xử lý.
Cùng với đó, ngành tài chính đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường chứng khoán, bảo hiểm, đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động trong quý III/2017. Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn để san sẻ gánh nặng vốn cho ngành ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện thể chế cho tăng trưởng, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát và điều hành lạm phát phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại...
Bích Diệp (ghi)