1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng: "Nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ ràng"

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành điện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, lớn nhất là nguy cơ thiếu điện. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng tái tạo chi phí quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân nên để phát triển và bảo đảm sinh hoạt cho người dân, Việt Nam vẫn cần nhiệt điện.

Phó Thủ tướng: Nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ ràng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng: EVN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, cung ứng đủ điện.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm nay (3/1), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, năm 2018, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành điện nói chung, EVN nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, cung ứng đủ điện.

Nguy cơ thiếu điện cục bộ

“Nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ ràng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu để phát triển nguồn, lưới điện. Đây là thách thức lớn nhất đối với toàn ngành”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu điện cho phát triển sản xuất và đời sống người dân đang tăng nhanh, vượt quá khả năng cung ứng. Với tốc độ tăng nhu cầu khoảng 10%/năm (theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) đến 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia sẽ là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030, nhu cầu tăng lên khoảng 130.000 MW.

“Đáng chú ý, đây là tốc độ tăng trưởng theo tính toán, nhưng chúng ta đều biết con số thực tế có thể cao hơn do tốc độ phát triển kinh tế ngày càng nhanh. Trong khi đó, thủy điện hiện đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhưng đã khai thác gần hết, khó có khả năng phát triển thêm. Việc phát triển các nguồn điện thay thế gặp nhiều khó khăn do Việt Nam đã quyết định dừng triển khai điện nguyên tử; nhiều dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ”, Phó Thủ tướng cho biết.

Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng, các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể phát triển trên quy mô lớn do chi phí cao; hệ thống truyền tải chưa đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp trong nước với nguồn lực còn hạn chế, chưa đủ khả năng phát triển nguồn điện. Việc vay vốn nước ngoài để phát triển nguồn điện cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các thủ tục về bảo lãnh Chính phủ. Hiện nay, các hồ thủy điện, đặc biệt tại miền Trung, đang thiếu nước trầm trọng; khả năng cung ứng than cho phát điện chưa ổn định; nguồn khí trong nước đã suy giảm mạnh nhưng nguồn thay thế triển khai chậm.

"Tất cả đang đặt lên ngành điện sức ép rất lớn để thực hiện mục tiêu cung ứng đủ điện cho nền kinh tế", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, thách thức lớn đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng của từng vùng. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung (gần 60%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%.

Tuy nhiên, hệ thống truyền tải giữa các vùng, miền chưa đáp ứng yêu cầu, việc phát triển và quản lý hệ thống truyền tải điện còn nhiều bất cập, việc xây dựng các tuyến đường dây truyền tải “xương sống”, các tuyến nhánh còn chậm, chưa tương thích với tiến độ các dự án phát triển nguồn. Quá trình đàm phán nhập khẩu điện của nước ngoài diễn ra chậm.

"Làm nhiệt điện, nhưng phải sạch"

Về phát triển nhiệt điện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Nhưng các nguồn năng lượng tái tạo hiện chi phí quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Do đó, để phát triển và bảo đảm sinh hoạt cho người dân, Việt Nam cần nhiệt điện.

“Thực tế, không phải tất cả các dự án nhiệt điện than đều ô nhiễm, quan trọng là sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm, quản lý tốt quá trình đầu tư xây dựng, vận hành khai thác nhà máy. Làm nhiệt điện, nhưng phải sạch. Kiên quyết không triển khai các dự án ô nhiễm môi trường”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng nói thêm rằng: “Nhiệt điện than công nghệ tốt thì chúng ta áp dụng, giá thành thấp giá bán điện thấp, nếu áp dụng toàn điện khí, năng lượng tái tạo giá rất cao, cuối cùng ai chịu, người dân chịu. Đây là thách thức lớn, yêu cầu đủ điện nhưng giá điện hợp lý người dân, doanh nghiệp chịu đựng được, muốn vậy phải có cơ cấu điện hợp lý".

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành điện nói chung, EVN nói riêng phải xác định trọng tâm “bứt phá” của mình về đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện, bảo đảm không để thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào.

Đồng thời, EVN phải chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương, cho Chính phủ hoàn thiện quy hoạch điện, trước hết điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy hoạch điện 7; xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050. Phải tính toán cung-cầu điện cho từng giai đoạn; xác định lại cơ cấu các nguồn điện, hệ thống truyền tải trong từng giai đoạn, khu vực, vùng miền; xác định các nguồn điện ưu tiên để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN phải tiếp tục cơ cấu lại Tập đoàn, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh. Theo đó, chủ động phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư bảo đảm đúng tiến độ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức quản lý, làm tốt công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm, rà soát lại danh mục các dự án, kiên quyết không đầu tư các dự án kém hiệu quả...

EVN muốn được phân quyền đầu tư

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tài Anh cho biết, năm 2018, EVN hoàn thành vượt kế hoạch sản xuất, cung ứng điện được Thủ tướng giao, đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, sinh hoạt của nhân dân.

EVN dự báo nhu cầu điện tiếp tục tăng trưởng cao, tuy nhiên hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Vấn đề đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của EVN, còn phụ thuộc rất nhiều các nhà máy điện ngoài EVN. Bên cạnh đó, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện tiềm ẩn nhiều rủi ro: khả năng cấp than trong nước thấp hơn nhu cầu gần 8 triệu tấn và phải nhập khẩu; nguồn khí trong nước đã suy giảm mạnh nhưng chưa có nguồn bổ sung.

Các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất điện biến động theo xu hướng bất lợi, trong đó giá than, giá khí trong bao tiêu dự kiến tăng trong năm 2019…

Theo đó, EVN kiến nghị Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án NĐ Ô Môn IV. Phê duyệt cho phép vay vốn ODA cho dự án NĐ Ô Môn III; Bảo lãnh vay vốn (hoặc bảo lãnh một phần) cho các dự án NĐ Ô Môn IV, Dung Quất 1&3 để đảm bảo hiệu quả và tính đồng bộ các Chuỗi dự án khí Lô B, Cá Voi xanh.

Đáng lưu ý, EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét phân cấp hoặc ủy quyền cho EVN quyết định đầu tư, phê duyệt các bước thiết kế đối với các dự án điện thuộc thẩm quyền của Ủy ban.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy điện năm 2019 (gồm cả than trong nước và than nhập khẩu). Sớm thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện các nguồn điện tại Lào và Trung Quốc đã được EVN trình trong năm 2018…

Phương Dung

Phó Thủ tướng: Nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ ràng - Ảnh 2.