Phó Thủ tướng: Dự án điện lụt tiến độ gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu bất cập của ngành điện và nhấn mạnh hiện nay hàng chục dự án, công trình đang triển khai nhưng bị chậm tiến độ, gây thiệt hại mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Vấn đề trên được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đưa ra tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực hôm nay (1/9).
Theo Phó Thủ tướng, hệ thống điện được đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển đất nước, không để thiếu điện cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, ngành điện vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong nhiều khâu, nhiều công đoạn, cần được tập trung khắc phục có hiệu quả.
Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là phải phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.
"Nhìn thấy tồn tại nhưng không nhiệt huyết, trí tuệ, không dám làm, dám chịu trách nhiệm thì không khắc phục được" - Phó Thủ tướng nói và nêu vấn đề hiện nay hàng chục dự án, công trình đang triển khai nhưng bị chậm tiến độ, thiệt hại mỗi năm hàng chục ngàn tỷ đồng; yêu cầu "phải nói rõ, nói thẳng, với tâm huyết của mình để làm", phải xử lý, đi đến cùng vấn đề để giải quyết bằng được.
Đôn đốc tiến độ các dự án điện đang đầu tư trong quy hoạch từ nay đến năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không được phép để thiếu điện.
"Vướng ở đâu thì gỡ ở đó, vướng ở công trường thì phải xuống tận công trường, vướng về giải phóng mặt bằng thì xuống giải phóng mặt bằng, vướng ở thủ tục đầu tư thì các bộ, ngành tích cực tháo gỡ… Phải rà soát, tính toán nguồn cung ứng điện để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Liên quan đến Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII), Phó Thủ tướng yêu cầu quy hoạch vị trí các nhà máy một cách hợp lý, giảm thiểu truyền tải xa để giảm tiêu hao, tiết kiệm điện, tăng hiệu quả đầu tư. Việc lập quy hoạch phải căn cứ vào các tính toán khoa học, dự báo nhu cầu sử dụng điện, truyền tải điện, cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo), bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Nhấn mạnh yêu cầu phải khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế trong phát triển ngành điện, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát cơ chế, giải pháp để phát triển điện lực một cách bền vững, hiệu quả; làm rõ cơ chế xác định giá thành của các nhà máy điện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nhập khẩu vật tư thiết bị trong ngành điện, nhất là nhập khẩu than nhằm phát huy có hiệu quả nguồn than trong nước, giảm nhập siêu.
Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW. Về cơ bản, tổng công suất hệ thống điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc. Tuy nhiên, mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống còn thấp.
Về một số tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ các dự án vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến công tác đầu tư xây dựng các dự án.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm nay tập đoàn hoàn thành 2 dự án điện với công suất 300 MW. Có 2 dự án đang thi công với công suất 840 MW và 8 dự án đang triển khai các bước đầu tư.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông tin, tập đoàn đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 9 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 8.100 MW. Dự kiến vào tháng 11/2021, PVN sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 (600MW) nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và vận hành tổ máy 2 vào đầu năm 2022.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang quản lý, theo dõi 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất hơn 26.000 MW. Ngoài 5 dự án đã vận hành thương mại, hiện có 3 dự án đang triển khai; 2 dự án đã ký chính thức bộ hợp đồng BOT và nhà đầu tư đang thu xếp tài chính.