1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó Thống đốc nói về thế khó của ngân hàng khi giảm lãi suất cho vay

Việt Đức

(Dân trí) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng rất muốn giảm lãi suất cho vay nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhưng phải đảm bảo mục tiêu ổn định các yếu tố vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế nhưng phải đồng thời hài hòa mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư quốc tế.

Đây là quan điểm được Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp tại TPHCM trong buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến ngày 2/10.

Điều hành lãi suất phải hài hòa đầu vào, đầu ra

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp TPHCM mong muốn được giảm lãi suất một cách thực chất hơn, tiếp cận nguồn vốn vay mới với chi phí thấp để phục hồi sản xuất, ông Tú cho hay rất thấu hiểu với những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời mong muốn doanh nghiệp chia sẻ với các ngân hàng. 

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kiên quyết, sử dụng các biện pháp trực tiếp, gián tiếp thông qua công cụ điều hành để yêu cầu các ngân hàng có trách nhiệm hạ lãi suất, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Phó Thống đốc nhấn mạnh các ngân hàng thương mại bản chất cũng là doanh nghiệp. Việc hạ lãi suất cho vay vừa qua do các ngân hàng trực tiếp giảm chi phí, giảm lợi nhuận. 

"Việc huy động phải đảm bảo lãi suất tối thiểu để người dân gửi tiền có lợi nhuận. Ví dụ bây giờ huy động bình quân 4,5-5%/năm trừ đi lạm phát khoảng 3%, ít nhất người dân còn 2% để có lợi nhuận từ tiền gửi", ông Tú cho biết.

Phó Thống đốc cho biết ngành ngân hàng rất muốn giảm lãi suất, thậm chí cho doanh nghiệp vay lãi suất 2-3%/năm nhưng muốn làm vậy lại phải huy động tiền gửi với lãi suất 1-2%/năm. Khi đó, người dân chắc chắn không gửi tiền vào ngân hàng, chuyển sang kênh khác.

Phó Thống đốc nói về thế khó của ngân hàng khi giảm lãi suất cho vay - 1

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú (Ảnh: SBV).

Nếu dòng tiền chảy vào các lĩnh vực không được khuyến khích như bất động sản có thể tạo ra nhiều hệ lụy, nền kinh tế đứng trước nguy cơ phải trả giá. Bài học bong bóng thị trường bất động sản giai đoạn 2009-2010 vẫn còn đó.

Ông Đào Minh Tú chia sẻ bản thân các ngân hàng thương mại cũng đang đứng trước khó khăn, không phải trực tiếp như doanh nghiệp nhưng nguy cơ hiện hữu trong tương lai gần. Ngân hàng sẽ phải chấp nhận nợ xấu đã và đang xuất hiện với tốc độ khá nhanh do nguyên nhân khách quan doanh nghiệp khó khăn không trả được nợ.

"Điều kiện đặc biệt của năm nay buộc các ngân hàng thương mại thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn phải kiểm soát chất lượng tín dụng nếu không nợ xấu nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng, tác động bất ổn", ông Tú phát biểu. 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ một doanh nghiệp phá sản có thể không ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng chỉ cần một ngân hàng mất ổn định, mất kiểm soát sẽ ảnh hưởng toàn bộ nền tài chính quốc gia. Do đó, nguyên tắc điều hành là mở rộng tín dụng, hạ lãi suất nhưng vẫn phải ổn định vĩ mô, ổn định hệ thống ngân hàng thương mại, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. 

Sẽ xem xét kéo dài thời hạn tái cơ cấu nợ

Về vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp khó khi muốn vay vốn để phục hồi sản xuất do tài sản thế chấp đã hết, doanh thu giảm, lợi nhuận cũng âm vì đại dịch, ông Tú giải thích cơ chế chính sách cho phép các ngân hàng thương mại tự quyết định, không bắt buộc có tài sản thế chấp mới cho vay.

Tuy nhiên, các ngân hàng đều phải tự chịu trách nhiệm với các khoản cho vay, tự quyết định đối tượng khách hàng, có thể quản lý bằng dòng tiền của doanh nghiệp nhưng dứt khoát không để thành nợ xấu.

Phó Thống đốc nói về thế khó của ngân hàng khi giảm lãi suất cho vay - 2

Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM mong muốn được ưu đãi điều kiện để vay vốn mới khi đã hết tài sản thế chấp, thua lỗ trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài (Ảnh: Nguyệt Nhi).

Về thời hạn tái cơ cấu, hoãn, giãn nợ đến hạn đến 30/6/2022 được quy định trong Thông tư 14 được nhiều doanh nghiệp mong muốn kéo dài do quá trình phục hồi có thể mất hàng năm, ông Tú cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là điều hành linh hoạt. 

Đến cuối năm nay, đầu năm sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tình hình dịch bệnh, sức khỏe nền kinh tế, khó khăn của doanh nghiệp để quyết định. Bản thân cơ quan này trước đây cũng đã 2 lần điều chỉnh thông tư về tái cơ cấu, giãn, hoãn nợ để phù hợp tình hình thực tế.

Quan điểm điều hành sắp tới của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt ở TPHCM với trách nhiệm cao nhất. "Những đối tượng cần ưu tiên nhiều thì sẽ được ưu tiên hơn. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, không thể có chính sách cào bằng", Phó thống đốc Đào Minh Tú thông tin. 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin tăng trưởng tín dụng sau 9 tháng vẫn đạt 7,7%, riêng TPHCM là 6,4%. Như vậy, tín dụng vẫn mở rộng trước ảnh hưởng của đại dịch.

Trước mong muốn có thêm gói ưu đãi lãi suất bằng nguồn lực của Nhà nước, ông Tú ủng hộ việc này nhưng nguồn lực hỗ trợ lãi suất phải cân đối với vốn ngân sách. Còn sự hỗ trợ bằng nguồn lực của các tổ chức tín dụng đã được triển khai tích cực. Song song giảm lãi suất, các ngân hàng thời gian qua đã miễn, giảm nhiều khoản phí thanh toán và sẽ tiếp tục chính sách này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm