Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng "bật mí" về lãi suất 2018

(Dân trí) - Tính đến cuối năm 2017, tín dụng đã tăng 18,17%. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 10/7/2017, khi NHNN giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.

Theo đó, tính đến 31/12/2017, tín dụng đã tăng 18,17%. Đáng chú ý, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.


Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Đề cập đến xu hướng lãi suất trong năm 2018, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, để thực hiện nhiệm vụ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Về lãi suất, Chính phủ chỉ đạo NHNN điều hành theo hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.”Giảm lãi suất cho vay là mong muốn của ngành ngân hàng. Trong điều hành 2018, NHNN sẽ cân nhắc phối hợp đồng bộ công cụ điều hành về thời điểm, bối cảnh, bám sát diễn biến vĩ mô như tăng trưởng, thanh khoản hệ thống, tỷ giá, hoạt động của các TCTD để đưa ra giải pháp điều hành phù hợp, tiến tới phấn đấu giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tín dụng được NHNN đặt trọng tâm vì vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn của ngân hàng. Năm 2017, tín dụng ở những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng đã được NHNN chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ, và năm 2018 NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực trên.

Năm 2018, tăng trưởng tín dụng với các TCTD dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ theo dõi sát diễn biến để có điều chỉnh phù hợp theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên.

Trong điều hành, NHNN sẽ bám sát diễn biến động thái tăng lãi suất của Fed hoặc diễn biến của các đồng tiền trên thế giới, nhất là đồng tiền của những nước có quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam để điều hành linh hoạt. “Tuy nhiên, việc kiểm soát tiền tệ không chỉ đòi hỏi điều hành hành linh hoạt của NHNN mà cần sự phối hợp của các bộ như Bộ Tài chính”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Bên cạnh việc điều hành công cụ góp phần kiểm soát lạm phát, nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu để xử lý một cách căn bản, triệt để hơn.

Theo đánh giá của NHNN, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu chưa nhanh như kỳ vọng do vướng mắc về pháp lý. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, các khó khăn trên đã được giải quyết. Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Vì thế, Phó Thống đốc cho rằng, năm 2018, khối lượng công việc của ngành ngân hàng từ trung ương đến địa phương, các TCTD sẽ rất lớn.

An Hạ

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng "bật mí" về lãi suất 2018 - 2