1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó chủ tịch Kỹ thuật của Uber toàn cầu: "Khởi nghiệp - tiền không phải là vấn đề"

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp chính là nguồn vốn. Tuy nhiên, lãnh đạo Uber cho rằng: "Các bạn trẻ đừng quá lo lắng về vấn đề tài chính, bởi một khi có ý tưởng tốt và niềm đam mê thì nhà đầu tư sẽ tự tìm đến. Vì vậy hãy tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm tốt, và kiên trì thực hiện nó với niềm đam mê".

Đó là những chia sẻ của ông Ganesh Srinivasan, Phó Chủ tịch kỹ thuật của Uber toàn cầu với hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp và sinh viên công nghệ do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức tại TPHCM chiều 5/5.

Ông Ganesh là người Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học kỹ thuật Delhi, Ganesh chuyển đến làm việc tại Thung lũng Silicon để theo đuổi ước mơ công nghệ và đam mê đóng góp cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp.

Ông Ganesh (giữa) chia sẻ về khởi nghiệp với các startup Việt ​
Ông Ganesh (giữa) chia sẻ về khởi nghiệp với các startup Việt ​

Tại buổi giao lưu với cộng đồng Startup Việt Nam, Ganesh đã khá cởi mở khi chia sẻ về những gì mình đã từng trải qua trong hơn 20 năm làm việc ở lĩnh vực khởi nghiệp của các tập đoàn lớn như LinkedIn, Yahoo...

Ganesh cho biết, sản phẩm là mấu chốt quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Do đó, các yếu tố về kỹ thuật đối với sản phẩm, từ khâu thiết kế, triển khai thi công cho đến giám sát vận hành là một trong những vấn đề cốt lõi mà doanh nghiệp nào cũng cần chú trọng.

Chuyên gia công nghệ này cho rằng, các bạn trẻ Việt Nam đang sống trong môi trường khởi nghiệp sôi động khi được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ và các ban ngành, đoàn thể. Trí tuệ Việt Nam được đánh giá cao và các startup có nhiều ý tưởng tốt. Tuy nhiên, Ganesh cho rằng, trong quá trình khởi khiệp sẽ gặp phải rất nhiều những khó khăn. Vấn đề là luôn tạo điều kiện giúp đỡ để họ tiếp tục cố gắng hoàn thiện sản phẩm. Như vậy chắc chắn một ngày nào đó sẽ có một startup toàn cầu đến từ Việt Nam.

Để làm được điều đó, Ganesh khuyên cộng đồng starup Việt phải biết đam mê, xác định mục tiêu rõ ràng. "Và quan trọng, phải hiểu rõ rằng: chắc chắn trong giai đoạn nào đó bạn sẽ thất bại. Khi thất bại, hãy vui và đứng lên. Coi thất bại là cơ hội. Uber, Google... cũng từng thất bại. Nhờ thất bại đó mà chúng tôi có được thành công như ngày nay", Ganesh nói.

Các startup hào hứng đặt câu hỏi
Các startup hào hứng đặt câu hỏi

Một startup Việt Nam cho rằng, khó khăn của người khởi nghiệp chính là thiếu tiền. Ganesh không đồng ý với quan điểm này. Dù ở Việt Nam có 1,5 ngày nhưng Ganesh cho biết, ông hiểu các bạn trẻ Việt Nam đang được hỗ trợ tốt cho khởi nghiệp, từ nguồn vốn, quản trị, công nghệ...

"Tiền không phải là vấn đề. Vấn đề là ý tưởng của bạn có đủ tốt hay không, và bạn có thể hiện thực hóa ý tưởng đó hay không. Hãy tạo ý tưởng tốt, sản phẩm tốt. Khi đó, chắc chắn sẽ có nhà đầu tư tìm đến bạn", Ganesh nói.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp và quyết định chọn những công ty lớn như Apple, Google... để làm. Nhiều người lấy điều đó là niềm tự hào. Tuy nhiên, Ganesh lại cho rằng, nếu bắt đầu công việc ở một công ty startup nhỏ bạn sẽ học hỏi và đóng góp được nhiều hơn.

"Nếu không có những người vào startup nhỏ thì không có Uber như hôm nay. Bản chất của startup là tìm ra giải pháp mới, mang tính khác biệt. Nếu bạn vào công ty lớn thì bạn sẽ làm những cái đã cũ, đã có sẵn. Nhưng nếu bạn nghĩ ra cái mới thì chắc chắn giá trị mang lại sẽ nhiều hơn", Ganesh khẳng định.

Startup Việt Nam cho rằng, khó khăn của người khởi nghiệp chính là thiếu tiền
Startup Việt Nam cho rằng, khó khăn của người khởi nghiệp chính là thiếu tiền

Nhiều startup cũng băn khoăn khi Việt Nam có đội ngũ kỹ sư giỏi nhưng vẫn chưa có nhiều sản phẩm công nghệ thành công. Chuyên gia công nghệ Ganesh nói rằng, sản phẩm là câu trả lời cho câu hỏi “giải quyết vấn đề gì?”. Để có những sản phẩm được ưa chuộng bạn phải xác định người tiêu dùng muốn gì để từ đó xây dựng sản phẩm tạo trải nghiệm mới lạ, độc đáo cho người dùng.

Ganesh cũng bày tỏ sự quan tâm đến khởi nghiệp nông nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, Ganesh cảnh báo rằng, giữa công nghệ thế hệ 3.0 và 4.0 sắp tới, có một sự khác biệt rất lớn đó là tốc độ. Hiện nay vòng đời sản phẩm nhanh hơn, những ý tưởng hay không còn quá quan trọng. Vấn đề chính để thành công là bạn phải là người làm nhanh nhất và tốt nhất.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm