Phí và lệ phí, cái gì cũng thu, dân chịu sao nổi?

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội kiến nghị, dự thảo Luật cần tránh tình trạng mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí, tránh thêm gánh nặng cho dân.

Thảo luận về dự thảo Luật phí và lệ phí trong phiên họp 29/5, các đại biểu cho rằng, phí và lệ phí là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, được dư luận quan tâm nên cần trao đổi kỹ.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị, dự thảo luật phải quy định rõ việc thu phí quản lý ra sao, sử dụng thế nào để tránh thất thoát, lạm dụng; cần phân định rõ phí và lệ phí bởi hiện nay vẫn có sự nhầm lẫn giữa hai khoản này. Đồng thời, đại biểu cũng lưu ý vấn đề thụ hưởng dịch vụ công thế nào khi người dân đã đóng phí theo quy định.

“Người dân đã nộp phí rồi thì phải được hưởng một dịch vụ công tương xứng, vì vậy cần rà soát lại”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu). Ảnh: Việt Hưng.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu). Ảnh: Việt Hưng.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) lưu ý, dự thảo luật cần tránh tình trạng mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí sẽ thêm gánh nặng cho dân. Bởi danh mục 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí được quy định trong dự thảo luật thực tế mới chỉ là những quy định chung chung, theo lĩnh vực. Còn nếu tính cụ thể của luật này thì phải có đến hơn trăm khoản phí và vài trăm lệ phí…

Đại biểu Thụ đề nghị, về cơ chế sử dụng, phí thu được thì khấu trừ chi phí hoạt động, phần còn lại nộp ngân sách. Tuy nhiên, cần quy định rõ mức khấu trừ là bao nhiêu phần trăm. Còn lệ phí nên thu hết vào ngân sách, chi thế nào thì qua ngân sách nhà nước. Trong dự luật chưa quy định rõ phí và lệ phí, có cái gọi là phí cũng đúng mà nói lệ phí cũng đúng.

Còn theo đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương), trong dự luật có nhiều loại phí đọc lên thấy rất buồn cười, thấy cái gì cũng thu được, thu chồng, thu chéo.

“Khi tàu thuyền chạy trên sông thì phải đóng phí luồng lạch. Vào cảng thì lại phải đóng thêm phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. Nhiều phí quá, đã nộp phí cập cảng rồi thì nên thôi phí neo đâu. Vì người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ”, ông Khanh nêu ví dụ.

Thậm chí, theo ông Khanh: “Lệ phí hoa hồng chữ ký là cái lệ phí gì? Tôi đọc mà không thể hiểu nổi. Đó có phải đó là hình thức “bo” chữ ký không, hay “hoa hồng” là “hoa hồng” cho chữ ký của “sếp”?”.

Về quy định thu phí phòng chống dịch bệnh, ông Khanh cho rằng, đã sinh ra Bảo hiểm y tế (BHYT) thì phải phòng chống tốt để người dân không bị bệnh, BHYT không mất tiền. Thế mà lại còn quy định bắt dân đóng “phí phòng chống dịch bệnh”. Như thế là “phí chồng phí” rồi còn gì nữa. Ông muốn đỡ tốn tiền BHYT thì ông phải phòng chống tốt, chứ sao lại bắt dân đóng.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM). Ảnh: Việt Hưng.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM). Ảnh: Việt Hưng.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại nhấn mạnh tới việc thu phí môi trường hiện nay là không phù hợp. “Ngư dân chạy ngoài biển sao lại bắt họ phải đóng phí môi trường? Có quá nhiều điều vô lý nhưng chúng ta vẫn cứ làm”, ông Lịch nói.

Do đó, đại biểu Lịch yêu cầu tách riêng phí và lệ phí (lệ phí là do cơ quan hành chính công quyền đặt ra).

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng, dự thảo luật cần nghiên cứu với cơ chế giá để phù hợp với thị trường. Có những phí, lệ phí không phù hợp thì nên bỏ.

“Phí đối với những con đường theo BOT, dự thảo Luật quy định là doanh nghiệp quy định. Cần có cơ chế, rào cản nào để nhà nước can thiệp quản lý được giá mà doanh nghiệp đưa ra, đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, có giải trình thêm”, ông Niễn nói.

Ngoài ra, theo ông Niễn, “nhân dân kêu nhiều về phí đường bộ. Ô tô đã đóng phí hàng năm, đi qua đoạn đường lại đóng phí tiếp. Hay như việc giao cho Ủy ban nhân dân xã thu phí đường bộ, xã kêu gặp rất nhiều khó khăn, không thu được. Cần tính toán nên thế nào cho phù hợp”.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với việc chuyển nhiều loại phí sang cơ chế giá, nhưng đề nghị làm rõ lộ trình, cách thức, cũng như cơ chế quản lý đối với những loại phí ảnh hưởng nhiều đến dân sinh như học phí, viện phí.

Đề cập tới phí và lệ phí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, dịch vụ công do Nhà nước cung cấp cũng phải tiến tới tính đúng, tính đủ. Nhà nước chỉ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, người có công... còn lại phải tính theo thị trường để đảm bảo có nền kinh tế thị trường, để có thể đề nghị các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Theo Bộ trưởng Kim Tiến, một số loại phí và lệ phí được loại bỏ là phù hợp, bởi những quy định trong luật chuyên ngành hoặc đã không còn phù hợp. 

 Nguyễn Hiền