Phát triển cây “tỷ đô” tại Tây Nguyên: Thay thế sự già cỗi của cây cà phê
(Dân trí) - Mắc-ca, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được mệnh danh là “cây tỷ đô” tại Việt Nam, đang dần chứng tỏ lợi thế vượt trội và sẽ được trồng bổ sung, tiến tới trồng thay thế cây cà phê truyền thống ở Tây Nguyên.
Theo các báo cáo thống kê gần đây, nhu cầu trên thế giới cho cây mắc-ca cao gấp 4 lần tổng sản lượng, nguồn cung hạt mắc-ca còn được dự báo phải mất hàng chục năm nữa mới đuổi kịp cầu khi cầu ngày càng mở rộng. Giá cả mắc-ca trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và là một trong những hàng nông sản đắt giá nhất hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, giá 1 kg nhân hạt mắc-ca thành phẩm sản xuất trong nước lên tới 700 nghìn đồng/kg, tương đương hơn 33 USD/kg. Trong khi, giá nhân hạt mắc-ca thành phẩm nhập khẩu từ Úc hiện là 950 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng 45 USD/kg, cao hơn 36%.
Nhằm mục đích tái cơ cấu cây trồng trên cơ sở tìm kiếm cây trồng chiến lược mới tại khu vực Tây Nguyên, sáng nay 7/2, Ban Kinh tế TƯ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng, Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, mắc-ca đã thâm nhập vào Việt Nam từ năm 1994, được trồng thí điểm tại Phú Thọ, Hòa Bình, Tây Nguyên… nhưng sau một thời gian thực tế, loại cây này có kết quả tốt nhất ở Tây Nguyên.
“Mắc-ca mang lại rất nhiều giá trị kinh tế vì có thể trồng xen canh. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ phát triển cây mắc-ca để có thể trở thành trung tâm mắc - ca không chỉ của khu vực mà còn của thế giới”, ông Huệ nói..
Theo chuyên gia về nông nghiệp đến từ Australia Martin Novak, Tây Nguyên là nơi phù hợp nhất để trồng cây mắc-ca ở Việt Nam, bởi khu vực này được thiên nhiên ưu ái về khí hậu phù hợp với loại cây này. Hơn nữa, cấu tạo đất ở đây rất xốp, nên có thể cho cây mắc-ca sản lượng và chất lượng tốt nhất.
“Trong khi ở những vùng khác như Hòa Bình, Lạng Sơn, cây mắc-ca chỉ cho sản lượng đạt 60% thì Tây Nguyên có thể đạt hiệu quả 100%, nếu được chăm sóc kỹ lưỡng có thể cho sản lượng lớn hơn ở Australia, vốn được coi là “vựa” của loại hạt quý này. Nếu phát triển và nhân rộng được mắc-ca, Việt Nam sẽ không phải lo lắng về “đầu ra” của sản phẩm, vì thị trường cho mặt hàng này rất rộng. Không chỉ được ưa chuộng ở Mỹ, mắc-ca còn được người dân nhiều nước khác ở châu Mỹ, châu Âu và cả châu Phi, cũng như một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… ưa chuộng”, vị chuyên gia này đánh giá.
Sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam và 10 năm trồng thử nghiệm ở quy mô nhỏ, trong quá trình trồng và theo dõi sự phát triển của cây mắc ca ở các địa phương, cho thấy ở Tây Nguyên, cây mắc - ca được trồng từ giống chuẩn, sinh trưởng tốt, cho ra hạt đúng kỳ, sản lượng và chất lượng hạt ở mức cao. Và quan trọng, cây mắc ca lại có thể trồng xen với cà phê, đáp ứng được yêu cầu cần có bóng mát của cây cà phê. Cà phê đang thu hoạch cũng có thể trồng xen cây mắc ca, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Đề cập tới chiến lược phát triển cây mắc – ca, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam cho rằng, chỉ có công nghệ tiên tiến mới là chìa khóa cho chiến lược phát triển cây mắc ca tại Việt Nam.
“Chính phủ cần có chính sách quy hoạch và sản xuất quy mô lớn cho ngành mắc ca, khai thác chuối giá trị khép kín từ nghiên cứu sản xuất đến chế biến tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần có chính sách cổ phần hóa đặc thù với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó quy định nông dân có thể góp cổ phần bằng ruộng/đất và trong trường hợp doanh nghiệp cổ phần thua lỗ hoặc phá sản, người nông dân không bị mất ruộng/ đất”, ông Minh đề xuất.
Theo ông Minh, Nhà nước cần xây dựng chính sách cụ thể để kích thích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn trong nông nghiệp, nông thôn như chính sách ưu đãi thuế, vốn. Tăng cường thu hút đầu tư trong nước, khuyến khích các mô hình liên doanh nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, bởi đây là yếu tố sẽ mạng đến công nghệ mới, phương thức canh tác mới để cải tiến các yếu tố lác hậu cũng như tạo ra sức ép cạnh tranh cho sản phẩm.
Về vốn tín dụng cho giống cây trồng này, hiện nay có 2 ngân hàng là Agribank và Ngân hàng chính sách Xã hội đang cho người nông dân vay vốn trồng mắc ca. Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hưởng khẳng định sẽ cho người nông dân vay tín chấp với vườn mắc ca thời hạn từ 7 – 10 năm với lãi suất dưới 10%. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ cho vay thế chấp bằng vườn mắc ca.
“Thực tế, với điều kiện của Tây Nguyên thì suất đầu tư cho cây mắc ca cũng rẻ hơn, khoảng 100 triệu/5 năm/ha, chưa có tiền đất. Hiện nay, đa số người nông dân đã có đất và trồng xen canh với cây cà phê, tiêu, chuối thì rất thuận lợi. Trong 5 năm tới, LienVietPostBank sẽ mua bảo hiểm cho người nông dân vay vốn của ngân hàng, theo hướng nếu có rủi ro thì người nông dân cũng không bị mất đất”, ông Hưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ lý do lựa chọn cây mắc – ca để đầu tư ở Tây Nguyên, TS.Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho hay: Quan điểm của chúng tôi là chủ động tìm đối tượng đầu tư để giải ngân vốn vay có hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đang có dấu hiệu ứ đọng vốn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thấp, nhiều rủi ro.
“Đặc biệt, các loại cây cà phê, cao su, tiêu, điều của đồng bào tây Nguyên mấy năm nay đang già cỗi, đặc biệt là cây cà phê. Do đó, đây chính là thời điểm đặt ra nhu cầu bức thiết về tái cơ cấu cây trồng và tìm kiếm, lựa chọn một cây trồng công nghiệp chiến lược mới cho Tây Nguyên”.