Phát thẻ ưu tiên đặc biệt để vận chuyển hàng mau hỏng
(Dân trí) - Thẻ này được áp dụng đối với hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn, cần ưu tiên được vận chuyển nhanh đến người tiêu dùng như nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh…
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) - cho biết, để tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa trong thời gian TPHCM thực hiện Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành văn bản về tạo "luồng xanh" ưu tiên cho phương tiện vận chuyển đã có thẻ nhận diện phương tiện được đi qua các chốt kiểm soát trong thời gian sớm nhất.
"Hiện nay, đối với một số loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn cần ưu tiên được vận chuyển nhanh đến người tiêu dùng bao gồm: nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh…" - ông Huyện nhấn mạnh.
TCĐB đề nghị các Sở Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải in bổ sung thêm nhãn "hàng mau hỏng" trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị và dán trên kính xe kèm với thẻ nhận diện đã được cấp trong các chuyến vận chuyển loại hàng như trên để các chốt kiểm soát nhận biết và tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông một cách nhanh nhất.
"Các Sở GTVT thực hiện báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương và thông báo cho các chốt để có biện pháp ưu tiên cho các phương tiện đã dán nhãn "hàng mau hỏng" được lưu thông nhanh qua chốt" - ông Huyện cho hay.
TCĐB Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cam kết sử dụng nhãn "hàng mau hỏng" đối với đúng loại hàng hóa mau hỏng, đúng các quy định về việc sử dụng thẻ nhận diện, di chuyến đúng luồng, tuyến, dừng, đỗ bốc xếp dỡ hàng hóa đã ghi trong giấy vận tải.
Trong một diễn biến có liên quan, chiều tối ngày 17/7, Bộ GTVT và 22 tỉnh, thành phố phía Nam họp giao ban trực tuyến về bảo đảm hoạt động vận tải hàng hóa giữa, trong đó 19 địa phương cùng ngày đồng loạt áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Đến ngày 17/7, cả nước đã có 19 tỉnh, thành phố đã công bố "luồng xanh" hàng hóa của địa phương. Hiện nay, trong thời gian chờ Tổng cục ĐBVN hoàn thiện phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành chung, Sở GTVT TPHCM vẫn đang thực hiện việc điều phối, hỗ trợ các Sở GTVT khác cấp thông hành qua mã QR Code đối với các doanh nghiệp, phương tiện có nhu cầu lưu thông đi, đến TPHCM và giữa các địa phương khác với nhau.
Việc triển khai vận chuyển "luồng xanh" bằng đường thủy cũng đang triển khai rất khẩn trương, trong ngày mai Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp chứng nhận kiểm định chuyển đổi công năng cho các tàu cao tốc du lịch. Sáng ngày 19/7, chuyến hàng đầu tiên bằng đường thủy từ Tiền Giang lên TPHCM sẽ được thực hiện.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, vận chuyển hàng hóa đường bộ là loại hình vận tải linh hoạt và chủ lực nhất hiện nay, vì vậy yêu cầu ngay sáng 18/7 Tổng Cục ĐBVN phải làm việc trực tuyến gấp với 63 Sở GTVT cả nước để thống nhất phương án lưu thông, việc áp dụng quy định y tế đối với lái xe di chuyển giữa các tỉnh, thành trong vùng giãn cách xã hội.
Tổng cục ĐBVN được yêu cầu cùng các Sở GTVT địa phương thống nhất phương án, quy định cụ thể và khẩn trương hướng dẫn cho các doanh nghiệp, lái xe, phương tiện vận tải hàng hóa, hàng tiếp tế, cứu trợ từ các tỉnh, các vùng khác đi và đến các tỉnh, vùng áp dụng Chỉ thị 16.
Bộ Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các địa phương sẵn sàng cấp giấy thông hành và hỗ trợ các lái xe được xét nghiệm Covid-19 nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện nay có thể đã có một lượng lớn các phương tiện đang di chuyển từ Bắc vào Nam và ngược lại, vậy nên nhất thiết phải có phương án để hướng dẫn, điều tiết giao thông, hỗ trợ xét nghiệm cho lái xe để không xảy ra ùn tắc kéo dài khi lưu thông đến ranh giới các tỉnh áp dụng và không áp dụng Chỉ thị 16.