Phạt mạnh tay hơn với gas lậu

Mức phạt cao nhất là rút giấy phép kinh doanh. Nếu phát hiện vỏ bình của các thương hiệu không có trong hợp đồng thì tịch thu ngay. Làm như vậy sẽ hạn chế tình trạng chiếm dụng vỏ.

Trong hai năm gần đây, tình hình gas lậu diễn ra rất phức tạp. Có trường hợp bắt được gần 2.000 bình gas lậu nhưng chỉ phạt có 2 triệu đồng không thấm vào đâu. Nghị định 105/2011 về xử phạt hành chính trong kinh doanh gas sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2012 với mức phạt cao nhất là rút giấy phép kinh doanh. Có như vậy mới thiết lập lại môi trường kinh doanh gas lành mạnh, an toàn cho người tiêu dùng.

 

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Gas Việt Nam, tại Hội nghị tập huấn các nghị định 104/2011 và 105/2011 tại TP.HCM ngày 14/12 do Bộ Công Thương tổ chức.
 
Phạt mạnh tay hơn với gas lậu - 1
Lực lượng Quản lý thị trường Bình Dương đang kiểm tra một cơ sở sang chiết gas.

 

Cần công khai các DN đầu mối

 

Ông Thành biết hiện nay có rất DN đầu mối, đại lý, trạm sang chiết gas đang hoạt động. Tuy nhiên, đến nay Bộ Công Thương mới chỉ công bố 24 đơn vị. Do vậy, theo ông Thành, Bộ cần phải công bố đầy đủ danh sách các đơn vị đủ điều kiện kinh doanh gas để người tiêu dùng được rõ, cơ quan chức năng cũng dễ bề quản lý.

 

Theo bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, khi lực lượng quản lý thị trường ra quân mà lỡ có một ai đó làm lộ thì bọn kinh doanh lậu dẹp vô ngay, không thể bắt được. Cần có quy định chặt chẽ, trạm chiết phải thông thoáng để người ta kiểm soát đang sang chiết cái gì. Hiện nay, các trạm sang chiết thường kín cổng cao tường.

  

Cũng theo bà Mẫn, các trạm chiết nạp lậu tồn tại được là do có quan hệ, có sự góp vốn của một số cán bộ địa phương. Do vậy, lực lượng quản lý thị trường có biết thì cũng khó xử.

 

Hiện nay có nhiều trạm làm dịch vụ chiết nạp gas cùng lúc cho nhiều DN. Vì vậy, trạm chiết nạp có thể ăn bớt gas của DN chính hãng rồi nạp vào những vỏ bình khác đem bán trôi nổi trên thị trường. Vì vậy, theo bà Mẫn, cần quản lý hoạt động của các trạm chiết nạp thuê. Các DN cũng cần có trách nhiệm vì chính họ biết trạm mình thuê là sang chiết lậu. Có thể chính DN cung cấp gas, cung cấp niêm tem để trạm vừa nạp vào vỏ của mình vừa nạp cho các thương hiệu khác!

 

Xoáy vào chuyện chiếm dụng vỏ bình gas

 

Nghị định 105 quy định nếu đại lý không hoàn trả đủ số vỏ bình đã nhận của DN đầu mối thì sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng. Đại diện Chi hội Gas Miền Tây cho rằng phạt như vậy là ép đại lý quá. Chẳng lẽ đại lý phải đi thu từng bình ở nhà dân, nếu như vậy sẽ rất mất thời gian.

 

Tuy nhiên, theo bà Mẫn, các thành viên trong Hiệp hội rất bức xúc với tình hình chiếm dụng vỏ bình gas dẫn đến nạn sang chiết lậu tràn lan. Nghị định 105 cần tập trung vào vấn đề chiếm dụng các vỏ bình gas. Theo đó, khi kiểm tra trạm chiết nạp, tổng đại lý, cửa hàng… nếu phát hiện vỏ bình của các thương hiệu không có trong hợp đồng thì tịch thu ngay. Làm như vậy sẽ hạn chế tình trạng chiếm dụng vỏ.

 

Theo ông Võ Trọng Quyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ngày 1/1/2012 khi Nghị định 105 có hiệu lực được áp dụng, các cơ quan chức năng đồng loạt ra quân sẽ có khả năng thiết lập trật tự tốt hơn trên thị trường gas. Trước đây nhiều nghị định ban hành nhưng chế tài không đủ mạnh. Nghị định 105 sẽ tập trung xử lý toàn diện các hành vi vi phạm, chủ yếu liên quan đến kinh doanh gas. Không chỉ chế tài bằng tiền đối với các vi phạm mà xử lý bằng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu khoản lời bất chính, rút giấy phép kinh doanh…

 

Những lưu ý khi lắp đặt bình gas

 

Không đặt bình gas trong tủ rồi đóng kín cửa tủ lại. Khi bình gas bị che kín, những thao tác của người làm bếp dễ dẫn đến cọ xát, rò rỉ đường ống.

 

Nếu bình gas đặt nơi trống thoáng, khi có rò rỉ chúng ta sẽ ngửi được mùi gas và xử lý ngay. Nếu để trong chỗ kín khó phát hiện, khi phát nổ thì hậu quả rất khó lường.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Huấn luyện Kỹ thuật An toàn Lao động TP.HCM

 

Theo Tú Uyên

Pháp Luật TPHCM