Phát hành thêm cổ phiếu: Liệu có rơi vào thế bế tắc?

Tháng 8 vừa qua là một tháng đầy sôi động đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Ngoài sự lên xuống của giá chứng khoán, những thông tin về việc thay đổi kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu của các công ty niêm yết (CTNY) cũng làm cho giới đầu tư xôn xao.

Nếu như từ đầu năm đến trước tháng 6, các CTNY liên tiếp thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để thưởng, trả cổ tức, hoặc phát hành quyền mua với giá ưu đãi cho cổ đông hiện hữu, thì trong thời gian gần đây lại rộ lên phong trào bán “đấu giá” đối với cổ phiếu phát hành thêm.

 

Một số nhà phân tích đưa ra quan điểm cho rằng bán đấu giá là cách thức phát hành đem về nhiều tiền (vốn) nhất cho doanh nghiệp, vì nguyên tắc đấu giá là ưu tiên cho người trả giá cao.

 

Trong điều kiện giá thị trường theo xu hướng tăng, thì điều này có thể đúng ở một mức độ nào đó nếu không xét đến một số ảnh hưởng tiêu cực khác. Điều thấy rõ trước tiên là khi CTNY thực hiện phát hành thêm, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty sẽ tăng lên.

 

Trong khi đó kết quả sản xuất kinh doanh của công ty chắc chắn sẽ không thể tăng lên cùng một tốc độ trong một thời gian ngắn, từ đó dẫn đến hiệu ứng “pha loãng giá trị” của một cổ phiếu. Thêm vào đó, việc gia tăng lượng cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ làm cho quan hệ cung - cầu đối với loại cổ phiếu đó thay đổi. Nếu trên thị trường lượng cầu không tăng tương ứng thì hiệu ứng giảm giá là tất yếu.

 

Thứ hai là khi đem cổ phiếu ra đấu giá thì bắt buộc phải công bố giá sàn cho cuộc đấu giá đó. Việc xác định mức giá sàn này hết sức nhạy cảm: nếu như quá thấp so với giá thị trường thì thị trường sẽ tự điều chỉnh cho cân bằng, nhưng nếu quá cao thì khả năng phải hủy cuộc đấu giá gần như chắc chắn.

 

Cụ thể như trường hợp Công ty Bê tông 620 tiến hành bán cổ phần của nhà nước, khi thông tin bán đấu giá được công bố, giá trên thị trường của BT6 vào khoảng 35.000-36.000 đồng, sau đó giá bị kéo xuống còn khoảng 32.000 đồng với khối lượng giao dịch rất ít. Kết quả cuộc đấu giá, tất cả người tham gia đều đặt mua với giá 30.000 đồng.

 

Kết quả này không khác chào bán với giá cố định, như vậy tại sao lại phải tổ chức đấu giá?

 

Tình huống đối với cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) thì ngược lại: dự định chọn giá bình quân cổ phiếu STB của 5 phiên giao dịch trước ngày công bố thông tin về cuộc đấu giá làm giá sàn đã khiến giới đầu tư “trên sàn” kéo giá STB xuống.

 

Và như một cỗ xe đổ dốc, giá STB sau đó liên tục giảm khiến Sacombank phải hết lần này đến lần khác thay đổi kế hoạch phát hành và cuối cùng là hoãn vô thời hạn! Động thái của Sacombank xin hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu không nằm ngoài mục đích kiềm hãm sự tụt dốc của cổ phiếu STB kể từ khi lên sàn giao dịch.

 

Sự trở bộ kịp thời của Sacombank đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hoàn toàn ủng hộ, đồng thời UBCK cũng hoan nghênh việc Sacombank nhanh chóng xúc tiến kế hoạch dùng các nguồn vốn hiện có để mua lại một phần nhất định cổ phiếu STB nhằm góp phần ổn định và ngăn chặn đà giảm giá cổ phiếu ồ ạt trên thị trường.

 

Các đợt phát hành thông qua đấu giá tiếp theo của Khahomex, Lafoodco liệu có đi vào vết xe đổ vừa rồi? Thực tế cho thấy, đối với các cổ phiếu đã niêm yết, việc đem cổ phiếu của CTNY ra “đấu giá” là việc chẳng đặng đừng, bởi vì chắc chắn sẽ có sự chênh lệch giữa giá hình thành qua đấu giá và giá khớp lệnh trên sàn giao dịch mua bán chính thức.

 

Sự chênh lệch này dẫn đến hệ quả là hoặc giá khớp lệnh hay giá đấu bình quân không phản ánh chính xác quan hệ cung - cầu. Hay nói khác đi, một trong hai giá là không “công bằng-minh bạch”, một nguyên tắc hàng đầu luôn được đặt ra đối với bất kỳ hệ thống giao dịch chứng khoán nào.

 

Theo Anh Khuê

Báo SGGP