Phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ: Có dễ vay với lãi suất rẻ?
(Dân trí) - Bàn về vấn đề phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, với tính chất phát hành để đảo nợ, điều này sẽ không ảnh hưởng đến nợ công quốc gia.
Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, hiện nay Luật quản lý nợ công và Nghị quyết 78 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII thông qua quy định không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ trong nước.
“Chúng ta là cơ quan lập pháp nên chúng ta làm việc phải theo luật. Đề nghị các đại biểu khi nghiên cứu cũng nên lưu ý cái mà chúng ta đã bấm nút thông qua” – ông Kiên nói.
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế thời điểm hiện tại được các đại biểu cho rằng cần làm càng nhanh càng tốt khi lãi suất còn rẻ.
Tuy vây, ông Kiên cho rằng, hiện nay trái phiếu chính phủ đang được phát hành với lãi suất khoảng hơn 6% cộng thêm lãi suất chi phí phát hành, biến đổi tỷ giá.
“Chúng ta so sánh lại với trái phiếu đang phát hành hiện nay trong nội địa sẽ thấy được ngay giá đắt hay rẻ!” – ông Kiên cho hay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích thêm, trong số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi các đại biểu Quốc hội, tỷ giá USD/VND từ năm 2009 là 16.000 đồng/USD, đến thời điểm hiện tại đã lên đến 22.350 đồng/USD. Do vậy, nếu cộng thêm biến đổi tỷ giá thì “chưa chắc đã rẻ”.
“Vấn đề nữa là không phải ta đi vay rồi ta thích trả lúc nào thì trả” – ông Kiên lưu ý, đồng thời đề nghị “về mặt nguyên tắc đất nước cần thì chúng ta sẽ làm nhưng làm phải tuân theo luật”.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nếu vướng Luật quản lý nợ công thì vấn đề này sẽ phải được xử lý bằng một Nghị quyết của Quốc hội. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách và đa số đại biểu đều nhất trí về chủ trương.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), việc phát hành trái phiếu quốc tế có ba cái lợi, thứ nhất, cơ cấu được nợ dài hạn; thứ hai, trước mắt sẽ có nguồn ngoại hối vào nhanh để cân đối và thứ ba là hiện tại tín nhiệm quốc gia trên thị trường thế giới đang lên.
Bích Diệp