Phân biệt kim cương tự nhiên và kim cương tổng hợp trên thị trường Việt Nam
Trên thị trường đá quý của Việt Nam, số lượng kim cương tổng hợp dạng tấm với kích thước từ 0.01 ct hoặc nhỏ hơn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Để giúp các nhà kinh doanh, giới chuyên môn cũng như khách hàng có thể phân biệt được, Viện Ngọc học và Trang sức DOJI (Viện DOJILAB), thuộc Tập đoàn DOJI đã giới thiệu phương pháp Phân biệt Kim cương tự nhiên và tổng hợp.
Đây là nội dung chính của Hội thảo chuyên đề Nhận biết kim cương tổng hợp nhân tạo từ phòng giám định đến thị trường được Viện DOJILAB tổ chức ngày 16/3/2017 vừa qua.
Những năm gần đây, một số lượng lớn các công ty đã bắt đầu sản xuất kim cương tổng hợp để sử dụng trong ngành trang sức. Và họ vẫn đang tiếp tục cải thiện chất lượng (màu sắc và độ tinh khiết) của chúng cũng như tăng trọng lượng kim cương tổng hợp. Để nhận biết các loại kim cương tổng hợp, các nhà ngọc học đã sử dụng một số loại thiết bị như: khúc xạ kế, đèn cực tím, kính hiển vi, kính phân cực và những thiết bị giám định khác. Nhưng khi chất lượng kim cương tổng hợp được cải thiện đáng kể, nó trở thành một thách thức đối với các nhà ngọc học khi chỉ sử dụng những thiết bị ngọc học cơ bản.
Tại Việt Nam, một thực tế đáng lo ngại trên thị trường đá quý, đó là số lượng kim cương tổng hợp dạng tấm với kích thước từ 0.01 ct hoặc nhỏ hơn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Kim cương tổng hợp với kích thước này có thể được sản xuất nhanh chóng với số lượng lớn và có thể được trộn lẫn với nhau. Kim cương kích thước này được bán theo từng lô bao gồm hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn viên mà có thể đã được trộn lẫn cả kim cương tự nhiên và kim cương tổng hợp.
Để giúp các đơn vị kinh doanh kim cương, người tiêu dùng giải quyết vấn đề này, Viện DOJILAB đã giới thiệu phương pháp Phân biệt kim cương tự nhiên và tổng hợp dựa trên tính chất phát quang và lân quang. Đồng thời, Viện cũng là đơn vị giám định uy tín cung cấp dịch vụ giám định các lô kim cương tấm bên cạnh các dịch vụ giám định thông thường.
Phương pháp mà Viện DOJILAB đưa ra khá hữu ích trong công tác giám định. Đó là dựa trên tính phát quang của kim cương tổng hợp. Tính phát quang thường mạnh hơn dưới sóng ngắn và có thể biểu hiện những mô hình đặc trưng. Khi đèn cực tím tắt, kim cương tổng hợp vẫn cho thấy lân quang sau đó một phút hoặc lâu hơn.
Theo GIA (Viện Ngọc học Hoa Kỳ), 35% kim cương tự nhiên được mang đến đây giám định có màu phát quang, và 97% trong số kim cương này phát quang màu lơ và không có lân quang. 3% còn lại có màu phát quang khác màu lơ với lân quang từ mức độ yếu tới trung bình. Vì thế bất kì viên kim cương nào phát quang ngoài màu lơ hoặc có lân quang, ta có thể nghi ngờ chúng là kim cương tổng hợp. Vì thậm chí nếu là kim cương tự nhiên chúng cũng rất hiếm.
Nhờ vào đặc tính trên, Viện DOJILAB đã dựa vào tính phát quang và lân quang của kim cương tổng hợp để bước đầu nhận biết chúng. Do tính phát quang và lân quang của kim cương tự nhiên và kim cương tổng hợp là khác nhau nên những viên kim cương bị nghi ngờ sẽ được phân loại và xác định. Để khẳng định chắc chắn và cho kết quả chính xác, Viện DOJILAB còn tiếp tục kiểm tra thêm với một số thiết bị khác như kính hiển vi, kính phân cực và những thiết bị hiện đại khác.
Cũng tại hội thảo còn có sự tham dự của một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản, trong đó có Tiến sĩ Ahmadjan Abduriyim -Chủ tịch hội ngọc học Tokyo, đồng thời cũng là giám đốc Phòng Ngọc học GSTV. Ông đã và đang nghiên cứu về vấn đề phân biệt kim cương tự nhiên, tổng hợp và xử lý; đá màu và ngọc trai, bao gồm việc xác định nguồn gốc của các loại đá quý phổ biến và những ứng dụng của LA-ICP-MS trong lĩnh vực ngọc học.
Hội thảo do Viện DOJILAB tổ chức đã cung cấp cho các nhà kinh doanh về đá quý, các nhà chuyên môn về ngọc học và người tiêu dùng những thông tin giá trị trong việc phân biệt Kim cương tổng hợp từ phòng thí nghiệm tới thị trường. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên được Viện DOJILAB tổ chức. Với mục tiêu góp phần làm lành mạnh hóa thị trường đá quý và hàng trang sức Việt Nam, Viện Ngọc học và Trang sức DOJI là một trong những thành viên tích cực của Tập đoàn DOJI trong tiến trình thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế.