1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Phải nâng "hàm lượng Mỹ" trong kinh tế Việt Nam

"Hàm lượng Mỹ" về kinh tế là từ mà ông Nguyễn Đình Lương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) sử dụng để nói về đầu tư của Mỹ vào VN, mà theo ông, quan trọng nhất là những dự án lớn tiêu biểu cho sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ.

Ông Lương cho rằng, "hàm lượng Mỹ" cao hơn trong nền kinh tế VN có thể là sự đảm bảo thành công của công cuộc rượt đuổi trình độ các nước trong khu vực, khắc phục tình trạng mãi chạy theo ở vị trí áp chót.

10 năm trước, ông Nguyễn Đình Lương cùng các cộng sự bước vào bàn đàm phán với Hoa Kỳ về BTA cùng với những hố ngăn cách đang tồn tại giữa hai bên bởi “một cuộc chiến tranh không thể quên trong lịch sử, một hiện tại còn đầy mặc cảm, là một tương lai còn đầy e ngại”.

10 năm sau, Việt Nam đã bước chân vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau khi hoàn tất cuộc đàm phán cam go cuối cùng với chính đối tác Hoa Kỳ. Thủ tướng Việt Nam đã tới thăm nước Mỹ và nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ có mặt tại Nhà Trắng để hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ trong tư thế của một nguyên thủ quốc gia.

Với những người từng can dự vào tiến trình Việt - Mỹ như ông Nguyễn Đình Lương, sự hiện diện của Chủ tịch nước Việt Nam tại Hoa Kỳ là một sự kiện đặc biệt và mang nhiều xúc cảm.

Là người đã từng có thời gian nghiên cứu Mỹ để phục vụ cho cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), ông thấy quan hệ Việt - Mỹ hôm nay thế nào?

Phải nâng "hàm lượng Mỹ" trong kinh tế Việt Nam - 1
  

Ông Nguyễn Đình Lương.

Bức tranh tổng thể là quan hệ hai nước Việt - Mỹ đã bình thường hóa và đang phát triển, trong đó, điều tôi tâm đắc nhất là sự hiểu biết về nước Mỹ ở Việt Nam và sự hiểu biết về Việt Nam ở nước Mỹ đã khác xa thời chúng tôi đàm phán BTA.

Lợi ích dân tộc, trách nhiệm với an ninh toàn cầu và xu thế thời đại đã thôi thúc và tiếp sức cho hai quốc gia ngồi lại với nhau, nhanh chóng tháo gỡ những vấn đề cần tháo gỡ, từng bước xây dựng quan hệ đối tác. Quan hệ đó đang và sẽ phát triển tốt đẹp.

Tuy nhiên, chưa thể nói được rằng, mọi việc đều đã suôn sẻ, quan hệ đã xuôi chèo mát mái. Những vấn đề trong quan hệ Việt - Mỹ hôm nay không quá nhiều nhưng không phải là có thể giải quyết xong trong vài ba cuộc gặp, vài ba tháng, hay vài ba năm.

Như vậy là quan hệ Việt - Mỹ vẫn chưa thực sự bình thường?

Nó lại là chuyện bình thường. Mỹ và Việt Nam là hai nước khác nhau.

Mỹ là nước giàu, nước mạnh. Từ cái thế của người mạnh, người Mỹ “làm chính trị” có lúc hơi thô bạo, áp đặt. Cách xử sự của họ dễ chạm lòng tự ái của các dân tộc khác và tạo nên những sự phản ứng khác nhau từ nhiều phía.

Việt Nam là một nước nhỏ, còn nghèo nhưng là nước đã từng đánh thắng các đế quốc to. Nền độc lập Việt Nam giành được bằng xương máu của cả lịch sử mấy ngàn năm. Ý chí độc lập dân tộc là rất thiêng liêng, lòng tự trọng dân tộc là rất cao cả.

Hai con người đầy tính cách như vậy không thể không có những sự va chạm. Những sự va chạm, cọ xát đó là bình thường. Có lúc nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc đau nhói.

Tuyệt đối không được để những sự va đập đó làm “rách da, nhiễm trùng”.

Là người đã có nhiều duyên nợ với quan hệ kinh tế thương mại Việt - Mỹ, ông nhìn nhận như thế nào về quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước hiện nay?

Quan hệ kinh tế - thương mại hai nước phát triển nhanh, rất nhanh. Mỹ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam chỉ sau 2 năm thực hiện BTA và hiện nay đang tốt, cho dù đã xảy ra một vài khúc mắc. Hiện đang trông đợi sự tăng trưởng nhanh hơn của đầu tư Mỹ vào Việt Nam.

Đầu tư Mỹ vào Việt Nam hôm nay chưa nhiều. Số dự án lớn mới chỉ tính trên đầu ngón tay. Trừ dự án của Intel, một số dự án dầu khí, còn nhìn chung các tập đoàn kinh tế Mỹ còn đang tiếp tục quan sát, khảo sát, thăm dò, chờ thời cơ...

Và Việt Nam mong muốn họ vào nhiều hơn, nhanh hơn?

Đúng thế. Trong nền kinh tế thế giới hôm nay, Mỹ vẫn còn giữ sức mạnh vượt trội và vai trò dẫn dắt trong một loạt ngành kinh tế, kể cả trong những ngành kinh tế cổ điển như ngành chế tạo và đặc biệt trong những ngành kinh tế tương lai như kỹ thuật số, kỹ thuật mạng, công nghệ sinh học và các ngành dịch vụ tài chính, viễn thông…

Từ đó, có một “hàm lượng Mỹ” cao hơn trong nền kinh tế Việt Nam là điều chúng ta nên phấn đấu. “Hàm lượng Mỹ” cần ở mức đủ để thực hiện quá trình lượng biến đổi thành chất. "Hàm lượng Mỹ" không phải chỉ là số lượng dự án, khối lượng đầu tư, quan trọng nhất là những dự án lớn tiêu biểu cho sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ, tiêu biểu cho nền kinh tế thế giới hiện đại, ví dụ như dự án của tập đoàn Intel.

Có nên hiểu thêm rằng“Hàm lượng Mỹ” ở đây, theo ông là bao gồm cả những kiến thức về quản lý kinh tế?

Đúng rồi. Vốn, kỹ thuật vào thì kiến thức quản lý cũng vào theo, ta đang rất cần. Kiến thức quản lý có nhiều thứ, ở đây tôi chỉ đề cập một chi tiết cụ thể:

Này, xin mời các bạn xuống tận các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các xí nghiệp của Mỹ, các xí nghiệp của Nhật, các xí nghiệp của các nước châu Á khác. Các bạn hãy quan sát, tìm hiểu xem ở đó người Mỹ trả lương và “khai thác” sức lao động của người công nhân Việt Nam thế nào, người châu Á đang trả lương và "khai thác" sức lao động của công nhân Việt Nam thế nào. Các bạn sẽ thấy đó là những “văn hoá kinh doanh” rất khác nhau và các bạn quyết định học cái gì, của ai.

Vậy theo ông, ta cần làm gì để nâng “hàm lượng Mỹ” trong nền kinh tế?

Mỹ vào nhanh hay chậm, nhiều hay ít, chủ yếu phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Việt Nam. Họ là những tập đoàn lớn. Họ làm ăn có bài bản. Họ đang có mặt khắp mọi nơi, đặc biệt là châu Á. Họ chỉ cắm chân ở Việt Nam khi họ thực sự yên tâm rằng lợi ích của họ ở đây được bảo đảm, họ có thể ở đây lâu dài.

Theo Việt Lâm
VietNamnet