Phải làm rõ “tảng băng ngầm” trong thu nhập

(Dân trí) - Làm sao để tạo được sự công bằng thông qua kiểm soát thu nhập của công dân khi sắc thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực là băn khoăn lớn nhất của các đại biểu khi thảo luận. Có ý kiến cho rằng, nhiều đối tượng với những khoản thu lớn như một “tảng băng ngầm” hiện chưa quản lý được.

Đánh giá về sự cần thiết phải ban hành luật thuế thu nhập cá nhân, theo Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, ở các nước phát triển, thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế trực thu quan trọng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu NSNN.

 

Ở Việt Nam, số thu này chỉ chiếm khoảng 1,8%. Hơn nữa, thời gian gần đây, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng ngày càng tăng (từ 3,7 lần năm 1993 tăng lên 13,5 lần năm 2004).

 

Quan trọng nhất là tính khả thi của luật

 

Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với việc ban hành luật, tuy nhiên, điều mà nhiều đại biểu băn khoăn là làm sao tạo được sự công bằng thông qua kiểm soát được thu nhập của người dân.

 

Đại  biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho biết quan trọng nhất là tính khả thi của luật. Có nghĩa là phải kiểm soát được thu nhập của cá nhân nhưng vấn đề này lâu nay chưa làm được. Ông Thân cảnh báo, nếu làm không khéo sẽ dẫn đến tình trạng trốn thuế là phổ biến.

 

Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại QH Nguyễn Ngọc Trân cũng cho rằng, nguyên tắc xây dựng luật là phải bảo đảm tính khả thi và sự công bằng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cả niềm tin của dân vào việc đóng thuế.

 

Để đảm bảo tính công bằng, ông Trân đề xuất ý kiến, cần kê khai thu nhập theo hộ gia đình, vì làm như vậy sẽ đơn giản và công bằng hơn.

 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng cũng có “băn khoăn lớn”, vì theo ông như hiện nay thì chúng ta mới chủ yếu “đánh” vào công chức, đồng lương công khai, còn các đối tượng khác với những khoản thu rất lớn, như “tảng băng ngầm” chưa quản lý được.

 

Đại biểu Phùng đề nghị phải có biện pháp tích cực, khẩn trương nhằm xóa bỏ “kinh tế tiền mặt, kinh tế phong bì” thì mới kiểm soát được thu nhập.

 

Lãi tiết kiệm, đánh thuế hay không?

 

Bà Dương Thu Hương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách QH nêu ra 3 lý do không nên đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm.

 

Thứ nhất đó là nguồn huy động vốn cho xã hội, có đến 80 - 90% doanh nghiệp dựa vào vốn ngân hàng. Mà dân không gửi nữa thì ngân hàng làm gì có tiền, mà có vốn để đầu tư; thứ hai, bản chất tiền gửi tiết kiệm ở VN không phải là đầu tư, đây là khoản dành dụm cả cuộc đời để phòng lúc ốm đau; Thứ ba lạm phát cao, lãi thực đến tay người nhận không còn là bao. “Theo tôi, lãi tiết kiệm chưa nên chịu thuế” - bà Hương thiết tha đề nghị.

 

Không đồng tình với quan điểm này, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Đức Dũng lập luận cần phải tính thuế số tiền gửi tiết kiệm vì đây là khoản đầu tư của người dân.

 

“Khi đủ tiêu rồi mới gửi tiết kiệm, không ai gửi tiết kiệm khi không đủ ăn cả” - ông Dũng bày tỏ quan điểm. Hơn nữa theo đại biểu Dũng, người dân cũng chỉ chịu mức đóng thuế khi tiền gửi tiết kiệm lên tới 700 triệu đồng, vì vậy những người này xứng đáng phải chịu thuế.

 

Đề cập đến công tác tuyên truyền tới người dân, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu người dân hiểu thì không đến nỗi “sợ” đóng thuế đến mức “xé nhỏ” sổ tiết kiệm, vì theo tính toán của đại biểu Cường, trong số 5,6 triệu tiền lãi của 800 triệu đồng gửi tiết kiệm chỉ phải đóng có…30.000 đồng tiền thuế.

 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng việc chuẩn bị dư luận thời gian qua không tương xứng với tác động của luật này. “Tôi biết trong Hội trường này có lẽ 90% đại biểu QH không có liên quan gì tới việc đóng thuế này, bản thân tôi nếu theo mức lương này thì có làm suốt đời chắc cũng không có ngày nào phải lo đóng thuế thu nhập” - ông Xuân nói.

 

Đức Hoà