PGS-TS Trần Đình Thiên: “Du lịch tắm biển chưa làm cho miền Trung giàu”
(Dân trí) - Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội nghị: “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Nam Trung Bộ”, diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), trong 2 ngày 6-7/10.
Tại Hội nghị, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá khu vực Nam Trung Bộ có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, cảng biển, văn hóa đặc sắc… nhưng việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản vẫn còn hạn chế.
Lý do là hạ tầng công nghiệp, cơ sở để phát triển công nghiệp cho miền Trung tương đối yếu - khác hẳn với miền Nam và miền Bắc, đặc biệt là gắn kết hạ tầng, các khu công nghiệp, khu kinh tế… chưa cao.
“Miền Trung nên đánh thức Nhật Bản, chứ không phải Nhật Bản đánh thức miền Trung. Tôi mong các bạn Nhật Bản thức dậy cùng miền Trung”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, muốn “kéo” được các nhà đầu tư Nhật Bản, muốn “đánh thức” Nhật Bản thì miền Trung phải tạo cho mình những cơ sở để thu hút công nghiệp.
“Về du lịch, miền Trung rất đẹp nhưng thực ra cái đẹp của miền Trung chưa làm cho miền Trung giàu. Và, đối với người Nhật thì miền Trung cũng chưa phải là hấp dẫn, chỉ trừ Hội An thôi”, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá.
Theo ông Thiên, so với những địa chỉ du lịch trong cả nước thì du lịch miền Trung vẫn chưa có gì đặc sắc, vẫn “du lịch theo kiểu tắm biển”. Trong khi đó, người Nhật Bản lại có xu hướng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mà miền Trung rất có tiềm năng nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Do đó, miền Trung cần phát triển công nghiệp để có nhiều người Nhật Bản hơn và đầu tư cho du lịch nghỉ dưỡng. “Người già Nhật Bản từ 70 tuổi trở lên chiếm 25% dân số nên nếu làm được du lịch nghỉ dưỡng thì sức hấp dẫn của miền Trung sẽ rất lớn”, ông Thiên nhận định.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, để thu hút đầu tư thì nên chia khu vực Nam Trung Bộ thành 2 cụm, gồm: Một cụm từ Phú Yên vào Bình Thuận và một cụm thuộc 5 tỉnh còn lại. Điều này nhằm tạo ra một cấu trúc liên kết hẹp hơn, tích cực hơn để thúc đẩy Nam Trung Bộ phát triển.
“Nếu chúng ta để cả vùng dài dằng dặc như thế thì chắc là khó, bởi anh ở đầu sông em cuối sông mãi không gặp được, rất khó liên kết”, GPS.TS Trần Đình Thiên ví von.
Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Umeda Kunio cho biết, hiện nay đang có hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, nhiều thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan, Singapore). Trong 5 năm trở lại đây, số lượng du khách Việt Nam sang thăm Nhật Bản đã tăng 1,5 lần, đạt 740.000 người.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nhật Bản cũng mong muốn các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có sự quan tâm hơn nữa, dành tình cảm đặc biệt hơn nữa đối với doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Việt Nam. “Các bạn hãy sử dụng các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại địa phương như một phương tiện để quảng bá, tuyên truyền cho tỉnh mình”, ông Umeda Kunio chia sẻ.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng tiềm năng hợp tác giữa khu vực Nam Trung Bộ và Nhật Bản còn rất to lớn nhưng thực tế hợp tác vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng.
Trong bối cảnh đó, song song với các cơ chế hợp tác giữa hai Chính phủ, vai trò của các địa phương là rất quan trọng, nhất là trong việc chủ động nghiên cứu, nắm bắt cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực ưu tiên.
Được biết, Hội nghị: “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Nam Trung Bộ” diễn ra trong 2 ngày, 6-7/10. Hội nghị diễn ra 4 phiên thảo luận, gồm: phiên 1 - hợp tác phát triển; phiên 2 - đào tạo và hợp tác nguồn nhân lực; phiên 3 - hợp tác địa phương và giao lưu văn hóa-du lịch và phiên 4 – hợp tác kinh tế đầu tư.
Dự Hội nghị có khoảng 100 doanh nghiệp Nhật Bản. Bên lề Hội nghị đã diễn ra các cuộc hội đàm song phương giữa Đại sứ Nhật Bản với lãnh đạo 7 tỉnh Nam Trung Bộ, cũng như rất nhiều các cuộc làm việc, tiếp xúc của cộng đồng doanh nghiệp 2 bên.
Viết Hảo