TS Trần Đình Thiên: “Du lịch miền Trung chủ yếu đến đi tắm thôi”

(Dân trí) - "Du lịch miền Trung oai nhất cả nước nhưng nội dung chính chủ yếu đến đi tắm thôi. Chúng ta có gì hơn đi tắm đâu. Du lịch đi tắm, ý của tôi thực tế là phần giá trị gia tăng du lịch của ta rất thấp", vị chuyên gia phát biểu.

TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn.
TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Miền Trung (lần 2) với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” diễn ra ngày hôm nay (25/9) tại thành phố Đà Nẵng, PGS.TS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, với nhiều ưu điểm và tiềm năng, kinh tế miền Trung đã nhìn thấy sự phát triển từ khoảng 6 năm nay. Hiện liên kết vùng cũng rất đông, cách đây 2, 3 năm chỉ có vài tỉnh tham gia, giờ đã tăng lên tới 10 tỉnh thành.

"Có lẽ chỗ này là chỗ giao thoa giữa các vùng, tôi phải nhấn mạnh ý bước tiến của miền Trung không phủ nhận được, tạo ra động lực phát triển vùng khác hẳn. Duyên hải miền Trung đã đạt được và tạo ra động lực phát triển mới", ông Thiên nhận định.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, kỳ vọng kinh tế miền Trung rất lớn vì tiềm năng lợi thế rất lớn nhưng bây giờ kết quả đạt được “còn lâu như chúng ta mong muốn”.

Bên cạnh đó, xét toàn thể, trình độ cơ bản đã được cải thiện nhưng chưa căn bản, chưa thấy sự xoay chuyển. Ở đây có khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch nhiều năng lực như thế này được khai thác nhưng tận dụng chậm.

"Dải đất hẹp nhưng lăn lộn để phát triển công nghiệp"

Điểm rất mấu chốt của miền Trung cũng được chỉ ra là, miền Trung tiềm năng lợi thế của các tỉnh giống nhau, triển khai theo hàng ngang, không có tỉnh nào giáp 3 tỉnh cả, chỉ sát 2 tỉnh, lợi thế giống nhau, tiềm năng cơ bản giống nhau. Điều này làm cho khả năng xung đột lợi ích lớn hơn.

"Phải thừa nhận thực tế như vậy, xung đột lợi ích có cơ sở pháp lý, thực tiễn của nó. Vì thế, tiềm năng khó phát huy, lợi thế khó phát huy. Tỉnh nào cũng có cảng biển đẹp, nhiều khu kinh tế. Lợi thế vùng này không căn cứ vào thế mạnh từng vùng thì sẽ có xung đột rất lớn", ông nói.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng: "Khu kinh tế ven biển, đặc khu Vân Phong, cả nước chỉ có 3, miền Trung có một. 6 khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp miền Trung bốn mấy khu công nghiệp, dải đất hẹp nhưng lăn lộn để phát triển công nghiệp. Chỉ có điều, chúng ta đi liền khu công nghiệp nối cảng biển, nghĩ thế là ăn, cảng hàng không cũng nhiều, ta có mấy cảng hàng không quốc tế nhưng nói cho oai, hãnh diện thôi nhưng khách quốc tế đến một chỗ, chỗ khác nhen nhóm thôi".

Theo ông Thiên, tổ hợp để tầm nhìn khu kinh tế cảng biển, gắn với hàng không chưa tốt, dàn trải và không phát triển. Đặc biệt, lưu ý khu kinh tế mở Chu Lai muốn đưa lên thể chế mạnh nhưng phải nói các khu kinh tế miền trung đìu hiu nhất.

"Tỉnh nào cũng hãnh diện mình có nọ có kia nhưng thực ra chả có gì. Có những câu chuyện mà cách tiếp cận về tương quan phát triển công nghiệp, lợi thế cảng biển cũng phải khác đi, chứ tỉnh nào mạnh tỉnh đấy chạy thôi, không mạnh gì bằng cái đấy cả. Vấn đề là tư duy phát triển vùng của chúng ta chưa lấn át được tư duy phát triển tỉnh ta. Câu chuyện về ngân sách, chính quyền vùng như thế nào, cấu trúc điều hành như nào. Tại sao không có chính quyền vùng? Nếu cứ bàn mãi rõ ràng không giải quyết được. Tất nhiên không thể có nhưng phải làm sao có thế, có lực", ông Thiên đặt vấn đề.

“Du lịch miền Trung chủ yếu đến đi tắm thôi”

Theo ông Trần Đình Thiên, ngành được coi là mũi nhọn là du lịch miền Trung cũng phải bàn lại.

"Du lịch miền Trung oai nhất cả nước nhưng nội dung chính chủ yếu đến đi tắm thôi. Chúng ta có gì hơn đi tắm đâu. Du lịch đi tắm, ý của tôi thực tế là phần giá trị gia tăng du lịch của ta rất thấp. Nhiều lần, tổ tư vấn cho rằng, Đà Nẵng là cấu phần cơ bản của du lịch mà vẫn thiếu thì nói gì các khu khác. Tôi nói luôn, cả nước ta đặt vấn đề rất hay, du lịch là ngành mũi nhọn nhưng tôi hỏi Tổng cục Du lịch mũi nhọn là gì nói được không? Cũng khó nói. Tức là đâm vào cái gì thủng hay là tiên phong dẫn dắt đi đầu? Ta hay nói mũi nhọn nhưng chưa rõ thế nào là mũi nhọn", ông nhấn mạnh.

Ông Thiên đề nghị miền Trung du lịch là quan trọng nhất, nên đề xuất lên Trung ương có chương trình xác định để du lịch miền Trung thành mũi nhọn. Có chương trình cho rõ chứ không lờ mờ, mạnh ai nấy làm như bây giờ. Quan hệ nông nghiệp, công nghiệp, chính quyền phải khác. Cho phép, tạo điều kiện miền Trung làm đề án lớn tầm cỡ quốc gia, chứ không sẽ lơ mơ về tầm nhìn.

"6 năm qua làm nhiều cái tốt rồi nhưng ấm ức cũng nhiều. Chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều mặc dù cách làm cũng nhiều cái tốt. Tư duy lại cách làm về liên kết miền Trung 6 năm rồi, mới dừng lại ở tham vấn, tư vấn, gợi ý, chiến lược chứ chưa tạo ra liên kết, phối hợp vì thể chế liên kết chưa đủ động lực, không đủ quyền lực và đảm bảo về quyền lực. Liên kết vừa qua tốt nhưng chưa đủ", ông nói.

Phương Dung