PGS. TS Trần Đình Thiên: "Bức tranh cổ phần hoá đang bị che giấu, xuyên tạc"

(Dân trí) - Báo cáo tại Hội nghị về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/9, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chỉ rõ nhiều "vấn đề" của quá trình cổ phần hoá, thoái vốn tại các DNNN hiện nay.

Theo TS Thiên, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hoá (CPH) được hơn 508 doanh nghiệp (DN), đây là một thành tích nếu xét về mặt số lượng và nó cho thấy kết quả không đến nỗi tồi (bởi ít nhất cũng là so với mục tiêu kế hoạch phải cổ phần hóa được hơn 530 DN). Với con số này, dường như người ta hiểu công cuộc CPH DNNN của Việt Nam đã đạt được những kết quả mong đợi: 96,5% số DNNN đã được CPH.

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Bệnh thành tích trong CPH còn nặng nề

"Tuy nhiên, điều này không phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh CPH nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu chính là chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả (khu vực DNNN) sang khu vực sử dụng hiệu quả (khu vực tư nhân). Thậm chí, đó còn là một bức tranh bị che giấu, xuyên tạc", TS Thiên nói.

Về chất lượng của quá trình CPH, ông Thiên nói rõ: Sau 5 năm tiến hành tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng với những nỗ lực không nhỏ, song nhìn vào thực chất, đa số các đánh giá đều cho rằng kết quả đạt được là rất hạn chế, thậm chí phải nói là đáng thất vọng.

Dẫn quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về việc có hơn 96,5% số DNNN được CPH nhưng chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Ông Thiên cho rằng: Đây là kết luận khá đầy đủ, chính xác để nói về sự nghịch lý đáng lo ngại của quá trình CPH.

Ông Thiên kết luận: Nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu, theo ông Thiên, kết quả đạt được có thể coi là bằng không bởi nguồn lực vẫn nguyên sở hữu nhà nước và các chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý doanh nghiệp CPH. Đó là “nghịch lý” của cơ chế hoạt động được dẫn dắt bởi động cơ “chủ nghĩa thành tích”, vẫn đang tồn tại phổ biến và chi phối hoạt động của hầu như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế .

"Chúng ta đã quá tốn thời gian, công sức và tiền bạc để chơi trò “ú tim” với chính mình trong sự dẫn dắt của “chủ nghĩa thành tích” của CPH. Phải trả lời một cách cụ thể, triệt để chúng ta mới có thể phát hiện hướng đúng, trên cơ sở đó, tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề", Viện trưởng Thiên, nói.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước "tay không bắt giặc"

Về năng lực sản xuất và đóng góp cho nền kinh tế, hiện nay khu vực nhà nước vẫn duy trì mức trên 30% GDP, trong đó, phần đóng góp của DNNN khoảng 27-28%. Tuy nhiên, các DNNN được giao trọng trách là “nòng cốt” của nền kinh tế song lại chưa thực sự làm tốt vai trò mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển.

Ông Thiên chỉ rõ: Nhiều yếu tố phát sinh từ các DNNN khiến nền kinh tế gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Tình trạng nhiều dự án “đắp chiếu”, nhiều DN “xác sống”, gánh nặng nợ - nợ xấu của khu vực DNNN đang trở thành “vấn nạn” phát triển thật sự của nền kinh tế. So với nguồn lực được giao, với những ưu đãi, đặc quyền, hỗ trợ của Nhà nước…, và đặc biệt, nếu so với “trọng trách” phải gánh vác thì những đóng góp của DNNN là chưa tương xứng", TS Thiên nói.

Theo ông Thiên, khu vực DNNN có nhiều thuận lợi về đất đai, tiền vốn, và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền…, nhưng hiệu quả kinh doanh còn thấp. Bên cạnh đó, một đặc điểm gây lo ngại cho hoạt động kinh doanh của các DNNN là tình trạng “tay không bắt giặc”. Trong cấu trúc tài sản của DNNN, vốn tự có chiếm tỷ lệ thấp hoặc rất thấp. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gấp 3-10 lần.

Viện trưởng Viện Kinh tế chỉ rõ: Nguyên lý “đánh mượn sức” đang được các DNNN Việt Nam vận dụng vào kinh doanh dễ trở thành nguồn gây rủi ro tiềm tàng to lớn. Tỷ lệ vốn vay ngân hàng lớn và vốn chiếm dụng lẫn nhau cao cho thấy thực lực tài chính yếu kém và thực trạng tài chính đầy nguy cơ của các DNNN. Trên thực tế, hoạt động của các DNNN không chỉ dẫn đến nguy cơ phá sản cho DN mà còn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia .

Nguyễn Tuyền