1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cổ phần hoá DNNN: Chuyên gia chỉ ra chiêu lách "khe hở nhà đất"

(Dân trí) - Trên thực tế khi cổ phần hoá doanh nghiệp vẫn còn những trường hợp xác định giá đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chưa công khai giá một cách minh bạch dẫn đến gây thất thoát cho ngân sách.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tham luận tại Hội thảo Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán nhà nước diễn ra sáng ngày 21/8, TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, tính lũy kế từ năm 1992 đến tháng 6/2017, đã có 4520 công ty cổ phần hình thành từ cổ phần hóa DNNN.

Riêng trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu DNNN 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa 508 doanh nghiệp, đạt 93% kế hoạch. Năm 2016 cổ phần hóa 52 DNNN và 03 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự nghiệp; đang xây dựng phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp; đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp tại 64 doanh nghiệp.

Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt trong giai đoạn tái cơ cấu DNNN 2011-2015, tổng số vốn điều lệ của 508 doanh nghiệp là 197,2 nghìn tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 65%.

Đại diện CIEM cho rằng, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa có thay đổi. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi, trước hết là: Chất lượng cổ phần hóa còn nhiều hạn chế và có một số khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết, việc kiểm soát quá trình cổ phần hóa chưa chặt chẽ.

Việc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và cổ phần chi phối vẫn còn ở nhiều ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối, làm hạn chế tác dụng của cổ phần hóa đối với đổi mới quản trị và thu hút vốn đầu tư phát triển từ bên ngoài.

Định giá cơ sở nhà đất còn nhiều "khe hở"

Đáng lưu ý, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, việc định giá doanh nghiệp nhà nước để tiến hành cổ phần hóa còn nhiều bất cập, nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền được thuê đất ở những vị trí đắc địa, thương hiệu, lợi thế kinh doanh và xác định giá bán cổ phiếu lần đầu... do năng lực của các tổ chức tư vấn còn hạn chế; quá trình xác định giá trị doanh nghiệp chủ yếu dựa trên so sánh, chưa có tiêu chuẩn xác định giá trị tiềm năng như thương hiệu, khả năng phát triển trong tương lai...

"Việc kiểm soát giao dịch ngầm, thỏa thuận của các nhà thầu, nhà đầu tư trong công tác đấu thầu, đấu giá khó thực hiện, đa số các phát hiện được sau khi đã hoàn thành giao dịch. Việc kiểm soát các nhà đầu tư trong thực hiện các cam kết khi mua cổ phần, đấu giá, tham gia cổ đông chiến lược và chế tài xử lý chưa rõ ràng", ông Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, nhiều doanh nghiệp, sau khi Nhà nước bán hết vốn, chủ sở hữu mới chú trọng những lợi ích như khai thác tiềm năng đất đai, lợi thế thương mại mà không chú trọng đến hoạt động chính của doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp không có việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng, tạo gánh nặng, sức ép cho người lao động và xã hội.

Về vấn đề đất đai trong thực hiện cổ phần hóa còn nhiều bất cập, tiêu cực, thất thoát. Mặc dù pháp luật đã quy định xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, nhưng trên thực tế vẫn còn những trường hợp xác định giá đất còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chưa công khai giá một cách minh bạch dẫn đến gây thất thoát cho ngân sách.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp cổ phần sử dụng quyền sử dụng đất (phần vốn của Nhà nước là quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp cổ phần) để góp vốn sản xuất kinh doanh với nhà đầu tư khác nhưng thỏa thuận giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá thị trường.

"Có những trường hợp thực hiện việc bán tài sản, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước không tuân theo quy định, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Có trường hợp sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định", ông nêu.

Sau cổ phần, 80% bộ máy lãnh đạo giữ nguyên

Theo Phó Viện trưởng CIEM, hoạt động sau cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp chưa đi vào thực chất do cổ phần chủ yếu được bán nội bộ, Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối. Tổ chức bộ máy, hoạt động quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa không có nhiều thay đổi (80% vị trí lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước - ban điều hành, kế toán trưởng hầu như không thay đổi).

Thêm vào đó, việc ban hành cơ chế, chính sách mang tính quyết định đến tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn 2016-2020 nhưng đến cuối năm 2016, đầu năm 2017 mới ban hành là một trong những nguyên nhân làm cho việc trình phê duyệt phương án cổ phần hóa còn chậm, chắc chắn là thách thức lớn cho việc thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tái cơ cấu DNNN đến năm 2020.

Đặc biệt, vị chuyên gia cho biết, tới hiện tại vẫn chưa có số liệu công bố chính thức về số tiền thu được từ cổ phần hóa DNNN cũng như việc sử dụng số tiền này.

Theo quy định hiện hành, nếu cổ phần hóa DNNN thuộc Bộ, UBND cấp tỉnh, công ty mẹ của Tập đoàn, Tổng công ty thì chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (thường gọi là Quỹ Trung ương) và giao SCIC “giữhộ” quỹ này. Trong trường hợp cổ phần hóa DNNN là công ty con Tập đoàn, Tổng công ty chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn, Tổng công ty.

Tuy vậy, cho đến nay, các số liệu về thoái vốn nhà nước đã công bố công khai trong các báo cáo chính thức của cơ quan nhà nước chỉ là số tiền thu được từ bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc vốn nhà nước đã đầu tư vào 5 lĩnh vực “nhạy cảm” chưa bao gồm giá trị vốn nhà nước thu được từ bán cổ phần lần đầu.

Phương Dung