Petrovietnam nhận bàn giao hồ sơ dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III và IV
(Dân trí) - Ngày 29/6, lễ ký biên bản bàn giao hồ sơ dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã diễn ra.
Tham dự và chứng kiến lễ bàn giao có đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,... Phía Petrovietnam có ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc cùng đại diện lãnh đạo trong HĐTV, ban tổng giám đốc, các ban chuyên môn, đơn vị, chi nhánh trực thuộc Tập đoàn. Phía EVN có ông Đặng Huy Cường, Thành viên phụ trách HĐTV, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc cùng đại diện lãnh đạo trong HĐTV, ban tổng giám đốc.
Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV với công suất 1050 MW/nhà máy, đặt tại trung tâm điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Cả 2 dự án được Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư tại Quyết định 428/ và được chuyển tiếp triển khai trong danh mục tiến độ nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500. Hiện tại, cả hai dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV là thành phần trong chuỗi dự án khí - điện Lô B, bao gồm các dự án thượng nguồn (mỏ khí), trung nguồn (dự án đường ống dẫn khí) và hạ nguồn (nhà máy điện). Chuỗi dự án đang có cơ hội để triển khai trong năm 2023 nhằm đáp ứng tiến độ có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.
Theo quy hoạch điện VIII, chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ là nguồn điện quan trọng, cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, chuỗi này cũng phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon theo cam kết của Thủ tướng tại COP26.
Việc triển khai chuỗi dự án là chưa có tiền lệ, giao diện phức tạp với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và các bên cần phải có những quyết định đồng bộ trong khi thời gian không còn nhiều do yêu cầu gấp rút của dự án. Nếu không có được những quyết định kịp thời từ khâu hạ nguồn, chuỗi dự án sẽ đứng trước nguy cơ khó đáp ứng được tiến độ nêu trên. Khi đó, việc chậm trễ sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các công việc hiện nay của thượng nguồn và trung nguồn mà còn tác động tới tính khả thi của việc tiếp tục triển khai dự án của các bên đối tác trong và ngoài nước.
Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai 2 dự án này, tại văn bản số 77, Thủ tướng đã đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV từ EVN sang Petrovietnam.
Tại lễ bàn giao, đại diện EVN và Petrovietnam đã ký kết biên bản bàn giao một số hợp đồng liên quan đến dự án gồm: hồ sơ quy hoạch trung tâm điện lực Ô Môn, các hồ sơ báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV, cùng các văn bản liên quan đến thu xếp vốn và các văn bản khác.
Trong thời gian tới, với sự hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Petrovietnam và EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng bàn giao dự án để triển khai các bước tiếp theo nhằm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ. Đồng thời, hai bên sẽ đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV sau khi cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư để giảm thiểu việc ảnh hưởng tới tiến độ cam kết tiếp nhận khí từ thượng nguồn và trung nguồn của hai nhà máy cùng một số công việc liên quan.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định sẽ cùng với 2 tập đoàn sớm hoàn thành các thủ tục chuyển giao và tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Huy Cường, Thành viên phụ trách HĐTV EVN, cho biết việc chuyển giao dự án sang cho Petrovietnam nhằm đảm bảo lợi ích chung, để chuỗi dự án được triển khai sớm nhất, đảm bảo tiến độ chung của cả chuỗi dự án Khí Lô B cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thay mặt lãnh đạo Petrovietnam, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định việc tiếp nhận làm chủ đầu tư các dự án điện Ô Môn III và Ô Môn IV vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao mà Chính phủ giao phó. Lãnh đạo Petrovietnam tin tưởng rằng, với việc thực hiện thành công các dự án nhà máy điện trước đó, tập đoàn sẽ hoàn thành hai công trình vừa được bàn giao, đáp ứng tiến độ, chất lượng
Trước đó, Petrovietnam đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả 2.700 MW/6.570 MW nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp trong toàn hệ thống điện Việt Nam (chưa tính đến 1.500 MW dự án Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 đang triển khai đầu tư xây dựng). Ngoài ra, tập đoàn này cũng có kinh nghiệm hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nhiệt điện khí như tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 .