Petro Vietnam đã có "kịch bản" dầu thô
Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) vừa đưa ra các phương án đối phó với tình hình giá dầu thế giới sụt giảm mạnh. Theo Petro Vietnam, nền kinh tế suy giảm cũng là cơ hội để doanh nghiệp định hướng lại chiến lược sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Ba kịch bản
Ba kịch bản mà tập đoàn này đưa ra là giá dầu có thể ở các mức: 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và xấu nhất là chỉ còn 30 USD một thùng.
Cụ thể: phương án một, nếu giá đầu xoay quanh ngưỡng 50 USD một thùng thì tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô năm 2009 của tập đoàn sẽ vào khoảng 4,4 tỷ USD, tức là Petro Vietnam chịu giảm thu so với năm 2008 (10,4 tỷ USD) khoảng 6,0 tỷ USD. So với dự toán ngân sách đã được duyệt (giá dầu ở ngưỡng 70 USD một thùng) thì kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 1,7 tỷ USD.
Ứng với kịch bản này, tổng doanh thu của Petro Vietnam trong năm 2009 sẽ vào khoảng 212.000 tỷ đồng, giảm 68.000 tỷ đồng so với năm 2008 và giảm 34.000 - 49.000 tỷ đồng so với dự toán.
Phương án hai là giá dầu ở ngưỡng 40 USD một thùng. Theo ước tính, nếu tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô năm 2009 vào khoảng 3,5 tỷ USD, giảm so với năm 2008 gần 7,0 tỷ USD và giảm khoảng 2,1 - 2,6 tỷ USD so với dự toán thì tổng doanh thu của tập đoàn năm 2009 vào chỉ đạt khoảng 199.000 tỷ đồng, giảm 80.000 tỷ đồng so với năm 2008 và giảm khoảng 47.000 - 64.000 tỷ đồng so với dự toán ngân sách ban đầu.
Phương án ba là giá dầu giảm xuống mức 30 USD một thùng. Với phương án này, Petro Vietnam cho biết nếu khai thác dầu khí tại các mỏ nhỏ, cận biên thì tập đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc bù đắp chi phí và khó có thể có lãi.
Trong trường hợp này, tiến độ triển khai các dự án thăm dò và phát triển sẽ bị ảnh hưởng do các nhà thầu phải cân nhắc đến hiệu quả đầu tư và khả năng thu xếp vốn, hệ quả là sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu gia tăng trữ lượng và ảnh hưởng đến sản lượng khai thác của tập đoàn trong những năm tới.
Bên cạnh đó, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án của tập đoàn sẽ khó khăn hơn, do các ngân hàng, các tập đoàn lớn ở nước ngoài cũng gặp khó khăn về tài chính.
Ngoài ra, đối với các công ty dịch vụ dầu khí (PVDrilling, PTSC, PVI, DMC, PVTrans, PVC), giá dầu giảm, hoạt động thăm dò, khai thác dần thu hẹp và bị ảnh hưởng cạnh tranh mạnh từ các công ty dịch vụ dầu khí Trung Quốc và nước ngoài sẽ dẫn đến tình hình thị trường của các công ty trong lĩnh vực dịch vụ bị giảm.
Hơn nữa, giá dịch vụ dầu khí giảm, kéo theo doanh thu giảm, khó khăn về việc làm, đời sống của người lao động tại các công ty trong khối dịch vụ của tập đoàn và của Việt Nam nói chung.
Vẫn nhìn thấy cơ hội
Tuy nhiên, Petro Vietnam vẫn lạc quan nhìn nhận, trong thời kỳ kinh tế khó khăn sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tài chính lớn như tập đoàn này tái cơ cấu lại lĩnh vực kinh doanh một cách hợp lý, tổ chức sắp xếp và ổn định lại doanh nghiệp đón đầu cho thời kỳ phục hồi kinh tế dự kiến sau năm 2009.
Theo tập đoàn này, khi nền kinh tế suy giảm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp khó khăn về tài chính, đây chính cũng là cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại các danh mục đầu tư. Đây cũng là cơ hội tốt để tập đoàn có thể mua được các tài sản dầu khí, các dự án tốt ở nước ngoài và trong nước.
Hơn nữa, do suy thoái kinh tế thế giới nên giá cả các nguyên vật liệu, thiết bị, nhân công giảm nhiều, đây chính là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư xây dựng với chi phí đầu vào thấp và kịp đưa công trình đi vào hoạt động đúng thời điểm khi thị trường kinh tế hồi phục lại nhằm đạt hiệu quả đầu tư cao.
Petro Vietnam cũng khẳng định, mặc dù vấn đề thu xếp vốn tuy khó khăn hơn, nhưng tập đoàn này vẫn có nguồn thu từ khai thác dầu khí và có thuận lợi vì có những dự án tốt, nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và có cơ hội thu xếp nhiều nguồn vốn nhàn rỗi cả trong và ngoài nước do suy thoái kinh tế.
Đồng thời, sự suy giảm kinh tế sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng, tạo cơ hội cho Petro Vietnam thu hút nguồn lao động có chất lượng cao vào làm việc trong tập đoàn.
Theo Từ Nguyên
VnEconomy