Parkson Keangnam đóng cửa, lời cảnh tỉnh cho bán lẻ hạng sang

(Dân trí) - Nếu không tính đến cạnh tranh và hạ giá bán sản phẩm so với thu nhập bình quân của người Việt Nam thì không chỉ có Parkson thua lỗ mà sẽ còn rất nhiều nhà bán lẻ hạng sang khác có mặt tại Việt Nam đối mặt với viễn cảnh này.

Đầu năm 2015, thị trường bán lẻ cao cấp Việt Nam chứng kiến sự kiện khá hy hữu khi một thương hiệu bán lẻ hạng sang ngoại có mặt tại Việt Nam từ lâu là Parkson đột ngột tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội vì thua lỗ. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó kết quả thua lỗ của Parkson có liên quan đến sự hồi phục chậm của kinh tế, thắt chặt tiêu dùng người dân, sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ mới gia nhập thị trường và cả việc nguồn cung hàng hiệu đang ngày càng đa dạng.

Các chủ cửa hàng chuyển khỏi Parson trong đêm ngày 2/1/2015 do Parkson
Các chủ cửa hàng chuyển khỏi Parson trong đêm ngày 2/1/2015 do Parkson Landmark tuyên bố đóng cửa (Ảnh Lê Tú)

Hàng hiệu, xa xỉ luôn vắng khách

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Tại Hà Nội, những trung tâm thương mại bán hàng đồ hiệu, hàng xa xỉ được kể đến là Parkson, Tràng Tiền Plaza, Robins hay mới đây là Lotte (Liễu Giai – Đào Tấn) hay khu vực bán hàng hiệu của tòa tháp Indochina (Cầu Giấy). Theo ghi nhận, hầu hết các trung tâm này luôn trong tình trạng vắng khách, người mua ít, trong khi người đến thăm quan, ngắm hàng hóa thì nhiều.

Giống như Parkson, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza chuyên bán các mặt hàng cao cấp, hàng hiệu. Trước đó, khi chưa về tay ông chủ Jonathan Hạnh Nguyễn, Tràng Tiền - một trung tâm thương mại biểu tượng cho Hà Nội cũng rơi vào cảnh bị người tiêu dùng lãng quên. Sau khi bỏ 400 tỷ đồng thâu tóm thành công, ông chủ mới của Tràng Tiền đã giúp trung tâm thương mại này thay đổi khá nhiều về diện mạo. Tuy nhiên, theo quan sát, lượng khách đến với Tràng Tiền cũng chỉ lác đác, người xem hàng nhiều hơn mua hàng dù Tràng Tiền có rất nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi khi trở lại.

Tương tự Lotte Mart (Liễu Giai – Đào Tấn), dù nằm tại Tòa nhà cao nhất nhì Hà Nội nhưng Trung tâm bán lẻ hàng hiệu này cũng ít thu hút được khách hàng. Ngay sau khi đi vào hoạt động đầu tháng 9/2014, những shop hàng hiệu tại trung tâm thương mại này cũng vắng hoe dù đã sử dụng rất nhiều hình thức khuyến mãi như chiết khấu, giảm giá, khuyến mãi...
 
Lượng khách đến Trung tâm bán lẻ đồ hiệu Robins tại Hà Nội cũng không đông như dự báo dù ông lớn Thái có chính sách cạnh tranh về giá trong lĩnh vực phân phối độc quyền hàng Thái và hàng xa xỉ thế giới vào Việt Nam.

Nhu cầu hàng hiệu đang giảm?

Đặt câu hỏi về việc đa số người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị lớn có hàng hiệu ngày càng ít là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và hàng hiệu siêu sang đang dần bị lãng quên trong ưu tiên mua sắm? Một vị chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng: Nền kinh tế chưa phục hồi chỉ là một trong những nguyên nhân khiến sức mua các mặt hàng này giảm còn thực tế, tiêu dùng hàng hiệu, mặt hàng xa xỉ tại Việt Nam vẫn rất tiềm năng.

“Dân số trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn nên xu hướng mua sắm hàng xa sỉ, đồ hiệu vẫn tăng. Trong vòng mấy năm trở lại đây, lĩnh vực phân phối hàng xa sỉ, siêu sang có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp phân phối như Tràng Tiền, Robins hay Lotte (Hàn Quốc)… Nếu nhu cầu giảm, người dân thắt chặt chi tiêu thì có lẽ những doanh nghiệp trên họ đã không bỏ tiền để đầu tư những quầy hàng trên”, vị chuyên gia lĩnh vực bán lẻ nhận định.

Tuy nhiên, theo lời vị chuyên gia bán lẻ nhận định hiện hàng xa x, đồ hiệu được bán ở Việt Nam chủ yếu là nữ trang, quần áo, mỹ phẩm dành cho phái nữ, giới trẻ. Thị trường đang có sự cạnh tranh mạnh và có nhiều tên tuổi các nhà phân phối gia nhập thị trường phân phối hàng xa sỉ, đồ hiệu như Tràng Tiền, Robins, Lotte… khiến cho sự cạnh tranh đang ngày càng quyết liệt và toàn diện, đòi hỏi các nhà phân phối phải tính toán lại các phương pháp cạnh tranh, cả kể sự cạnh tranh về giá. Nếu không tính đến cạnh tranh và hạ giá bán sản phẩm so với thu nhập bình quân của người Việt Nam thì không chỉ có Parkson thua lỗ mà sẽ còn rất nhiều nhà bán lẻ hạng sang khác có mặt tại Việt Nam đối mặt với viễn cảnh này.

Hiện nguồn cung hàng hiệu đã trở nên đa dạng, ngày càng có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng hơn. Ngoài việc thích mua hàng hiệu qua đường xách tay, nhiều người đang chọn cách thức đi du lịch nước ngoài kết hợp mua sắm. Nếu lựa chọn mua xách tay, mua qua đường du lịch, giá có thể rẻ hơn so với mức giá bán trung bình tại các cửa hàng đồ hiệu từ vài triệu đồng.

Không chỉ đối diện với cảnh “heo hắt” người mua, giá thuê mặt bằng của các trung tâm thương mại cho các mặt hàng xa xỉ cũng thuộc lại đắt kỷ lục. Dù giá thuê mặt bằng nói chung có giảm nhưng ở những vị trí đắc địa, có khả năng PR thương hiệu tốt thì giá vẫn cao ngất ngưởng. Theo một chủ cửa hàng, giá thuê mặt bằng thương mại ở một số vị trí tòa Buiding hay Tower lớn hiện quá đắt đỏ, dao động từ 100 - 160 USD/m2. Với giá thuê đắt cộng với lượng khách giảm, chỉ có những cửa hàng có vốn lớn, trường vốn mới có thể tồn tại lâu được.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”