Hà Nội:

Chủ hàng tứ tán vì Parkson Keangnam bất ngờ đóng cửa

(Dân trí) - Các chủ kinh doanh trong Parkson Keangnam đều đang gặp thiệt hại lớn, một số hộ chưa có mặt bằng mới để tiếp tục kinh doanh.

Mấy ngày nay, khu vực TTTM Parkson nằm trong tòa nhà chọc trời Keangnam Landmark 72 trở nên hỗn loạn như một bãi chiến trường sau thông báo tạm dừng kinh doanh đột ngột “từ trên trời rơi xuống”. Các chủ hàng buôn bán trong Parkson nháo nhác chuyển đồ đạc, hàng hóa ra khỏi diện tích đã thuê trong nỗi bực dọc kèm theo sự khó hiểu.

Sự việc chính thức bắt đầu vào chiều ngày 2/1/2015 khi TTTM Parkson đột ngột đóng cửa và sau đó là một thông báo của ông Tiang Chee Sung - Tổng giám đốc Parkson Hà Nội với nội dung “TTTM Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo này" và các chủ hàng chỉ có 2 ngày 3-4/1 để dọn hàng cùng quầy kệ.

Anh Nguyễn Đức Quân chia sẻ với phóng viên về việc Parkson Keangnam đột ngột tạm dừng kinh doanh

Anh Nguyễn Đức Quân chia sẻ với phóng viên về việc Parkson Keangnam đột ngột tạm dừng kinh doanh

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đức Quân, chủ gian hàng bút cao cấp Luc Parker chia sẻ: "Tôi rất bất ngờ trước thông báo trưa ngày 2/1 và nhận được điện thoại từ phía quản lý Parkson thông báo đóng cửa, sự việc diễn ra quá đột ngột khiến bản thân các chủ kinh doanh đều gặp khó khăn".

Trước thông tin nhiều gian hàng làm ăn thua lỗ nên phải đóng cửa anh Quân cho hay: “Gian hàng khác thì không biết, nhưng gian hàng của chúng tôi bán cực tốt, doanh số luôn đứng thứ 2 trong chuỗi các trung tâm thương mại. Chúng tôi bán từ năm 2011, vừa ký hợp đồng dài hạn 3 năm cách đây hơn 2 tháng”.

Anh Quân cho hay rằng, đối với những gian hàng chỉ bán ở Parkson Keangnam khi bị dừng kinh doanh đột ngột như vậy sẽ thiệt hại vô cùng lớn. “Như gian hàng của chúng tôi, có nhiều chuỗi hàng ở Hà Nội, khách hàng không mua ở đây thì mua ở chỗ khác nên thiệt hại ít hơn”, Anh Quân nói.

Các gian hàng khẩn trương chuyển hàng hóa ra ngoài

Các gian hàng khẩn trương chuyển hàng hóa ra ngoài

Cũng theo phía chủ kinh doanh ở Parkson chia sẻ, phía Parkson đã có có thông báo cho khách hàng về việc sẽ tổ chức gặp mặt để giải quyết tất cả các vấn đề tồn đọng. Nếu hợp đồng còn thời hạn thì phải thực hiện theo hợp đồng, chia sẻ những vấn đề thiệt hại trông thấy của khách hàng, tất cả các chi phí phát sinh khi dừng đột ngột việc kinh doanh.

Một chủ hộ kinh doanh khác đầu tư bán gà rán tại Parkson Keangnam cho biết, nhà hàng này vừa đầu tư hàng tỷ đồng để mở cửa hàng, khi vẫn chưa kịp thu hồi được vốn thì đã bị ngừng kinh doanh.

Các chủ kinh doanh mong muốn sớm có mặt bằng kinh doanh mới sau khi bị ra khỏi Parkson Keangnam

Các chủ kinh doanh mong muốn sớm có mặt bằng kinh doanh mới sau khi bị ra khỏi Parkson Keangnam

“Tết âm lịch sắp đến, các nhân viên khi bị dừng việc đột ngột đều rất hoang mang, tiền thưởng tết sắp tới cũng sẽ bị cắt giảm, việc Parkson Keangnam đóng cửa gây ảnh hưởng đến rất nhiều con người”, một chủ kinh doanh chia sẻ.

Hiện tại, nguyện vọng của anh Quân cũng như hầu hết các chủ kinh doanh phải chuyển ra ngoài Parkson Keangnam là có một mặt bằng mới để kinh doanh.

Các chủ kinh doanh bị “đuổi” khỏi Parkson Keangnam cho hay, Công ty TNHH Parkson Hà Nội thuê diện tích mặt bằng của tòa nhà Hà Nội Keangnam Landmark Tower. Sau đó, Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho các đối tác của mình thuê lại mặt bằng.
 
Do vậy, việc yêu cầu đóng cửa hay tiếp tục hoạt động các quầy hàng là quyền thuộc về phía Công ty TNHH Parkson Hà Nội. Có khoảng 200 gian hàng tại 6 tầng tại tòa nhà Keangnam phải dọn hết đồ và đóng cửa khiến nhiều chủ quầy hàng, nhân viên bán hàng tại đây rất hoang mang, bức xúc trước sự việc trên.

Với 9 trung tâm lớn Việt Nam, đa phần các điểm mua sắm của Parkson đều nằm ở những vị trí rất thuận lợi và đắc địa. Tuy nhiên, lượng khách ghé thăm và mua sắm những năm gần đây ngày càng sụt giảm. Nhiều chủ cửa hàng ở Parkson cũng cho biết, mặc dù cuối năm là dịp mua sắm đông đúc, tuy nhiên năm nay lượng khách giảm mạnh so với năm ngoái. Nhiều nhân viên bán hàng cả ngày chỉ ngồi nghịch điện thoại, nên thay vì giữ số lượng 2-3 người, nhiều chủ quầy đã giảm chỉ còn 1 người đứng trông hàng.

Lê Tú
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”