Trung tâm thương mại đóng cửa: "Đánh úp" tiểu thương!

Ngày càng có nhiều trung tâm thương mại (TTTM) đột ngột đóng cửa vì làm ăn thua lỗ. Không ít các tiểu thương trót ký hợp đồng thuê dài hạn phải lao đao.

Parkson Keangnam đóng cửa đột ngột khiến nhiều chủ quầy hàng ở đây trở tay không kịp.
Parkson Keangnam đóng cửa đột ngột khiến nhiều chủ quầy hàng ở đây "trở tay không kịp".

Hành xử “trái khoáy” của các “ông lớn”

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Chị Nguyễn Thị Diễm Châu, chủ quầy hàng BBQ Chicken trong TTTM Parkson Landmark (tòa nhà Keangnam, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đầu tư vào cửa hàng gần 2 tỷ đồng cho diện tích 17,3m2 với thời hạn thuê từ 16/7/2011 đến 31/12/2015. Hợp đồng thuê được ký với Cty TNHH Parkson Hà Nội. “Cả gia đình và hàng chục nhân viên sống nhờ cửa hàng. Chưa thu hồi được vốn công ty đột ngột bắt ngừng hoạt động khiến chúng tôi trở tay không kịp. Từ bây giờ chúng tôi biết sống bằng gì?”, chị Châu nói.

Còn anh Nguyễn Thắng, chủ quầy hàng ăn uống tại tầng hầm B1 trong trung tâm kể: “Tuần trước Parkson còn gọi lên ký hợp đồng tiếp nay đóng cửa có khác gì lừa đảo khách thuê”.

Được biết, Cty TNHH Parkson Hà Nội thuê diện tích mặt bằng tòa nhà Keangnam Landmark Tower. Sau đó, Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho các đối tác của mình thuê lại mặt bằng. Do vậy, việc yêu cầu đóng cửa hay tiếp tục hoạt động các quầy hàng là quyền thuộc về phía Công ty TNHH Parkson Hà Nội.

Trong thông báo của ông Tung Chee Sung - Tổng giám đốc Cty TNHH Parkson Hà Nội gửi đến các khách hàng có nội dung: “Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra và chúng tôi nhận thấy các quầy hàng của Quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn. Vì vậy, toàn bộ trung tâm sẽ ngừng hoạt động vào ngày 2/1, các đối tác có quầy hàng trong Trung tâm phải dọn trong 2 ngày mùng 3 và 4/1”.

Tuy nhiên, đến sáng ngày 5/1, một thông báo khác được dán trên cửa kính tòa nhà với nội dung Parkson Landmark sẽ đóng cửa đến hết ngày 7/1 để kiểm kê, sắp xếp hàng hóa. Bảo vệ chắn lối vào tòa nhà và không cho người lạ vào bên trong. Nhiều chủ quầy hàng trong trung tâm đã dọn đồ ra ngoài hoang mang không biết có thực sự được kinh doanh trở lại vào ngày như thông báo không?

Ai chịu trách nhiệm?

Đây không phải là lần đầu tiên, một TTTM lớn ở Hà Nội đột ngột đóng cửa khiến hàng trăm khách hàng bơ vơ. Trước đó, giữa năm 2013, TTTM Grand Plaza (Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) dừng hoạt động khiến các chủ cửa hàng trong trung tâm ấm ức khi chấm dứt hợp đồng mà không được đền bù. Ông Hoàng Đức Anh, Giám đốc TTTM Grand Plaza hứa sẽ mở cửa trở lại để đảm bảo quyền lợi cho các chủ cửa hàng song cả năm nay, TTTM “vẫn án binh bất động”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội phân tích, hiện Hà Nội có 170 TTTM nhưng già nửa trong số đó rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách. Việc ế khách do TTTM Grand Plaza, Parkson Landmark đứng ngay cạnh “ông khổng lồ” BigC (đường Trần Duy Hưng). Vẫn các loại hàng như nhau mà giá lại đắt hơn khiến khách hàng đến một lần và không trở lại.

Theo ông Phú, Parkson phải chịu trách nhiệm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng. “Từ câu chuyện của Grand Plaza cho đến Parkson, cơ quan quản lý nhà nước nên siết việc thành lập TTTM. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho tiểu thương khi quá tin vào những thương hiệu lớn được quảng bá rầm rộ trên thị trường. Muốn hoạt động kinh doanh phải nghiên cứu thị trường và làm hợp đồng rõ ràng”, ông Phú cho hay.
 
Theo Ngọc Mai
Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”