OPEC giảm giá dầu là để dìm Mỹ hay dìm Nga?
Thế giới đang trải qua những ngày sóng gió và kịch tính hơn bao giờ hết. Cuộc bầu cử sớm quyết định tương lai nước Nhật vừa kết thúc thì đến lượt Nga nâng lãi suất lên mức khó có thể tưởng tượng để giữ giá đồng Rup, và giờ đây đến lượt OPEC trở thành nhân vật chính trong tâm bão với chuyện dìm giá dầu.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Trên thực tế, việc giá dầu tiếp tục giảm sau khi đã chạm mốc 58 USD/thùng đã được giới phân tích dự đoán trước, nhưng việc có thêm một pha giảm sâu đến 54 USD/thùng thì lại vượt ra ngoài dự tính. Việc IEA đưa ra dự báo khá bi quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2015 ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trên toàn thế giới vốn là nguyên nhân chính khiến giá dầu chạm mốc 58 USD/thùng được cho là vẫn chưa phát huy hết hậu quả. Khi mà giá dầu cách đây chưa đầy một tuần vẫn còn trên 65 USD/thùng thì việc giảm xuống chỉ còn 58 USD đồng nghĩa với việc nó sẽ tiếp tục giảm.
Nhưng giảm đến 54 USD/thùng thì là việc không ai ngờ đến. Khi mà hầu hết giới phân tích đã tính đến khả năng giá dầu sẽ được cải thiện, dù không nhích dần lên thì cũng sẽ không tụt thêm, thì chiều hướng tụt giá vẫn tiếp diễn. Ngoài việc một số hãng khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang tỏ ra bền bỉ hơn dự đoán để tiếp tục hoạt động khai thác, thì một nguyên nhân chủ đạo đang khiến hầu hết các chuyên gia quan tâm là những phản ứng và ý đồ thực sự của OPEC – tổ chức vẫn đang nắm giữ quyền lực số một trên thị trường dầu.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đã tụt ở mức vượt khá xa ngưỡng giới hạn mà chính OPEC tuyên bố là giới hạn chót. Bộ trưởng dầu khí Kuwait, trong một phát biểu trước báo giới, đã tuyên bố OPEC chỉ có ý định giữ giá dầu ở mức 65 USD/thùng và có thể sẽ có biện pháp can thiệp nếu giá dầu tụt xuống dưới mức này. 65 USD vì thế được coi là cái mốc cuối cùng cho giới hạn chịu đựng của OPEC, khi rất nhiều các quốc gia thành viên của tổ chức này đang vô cùng khốn đốn vì giá dầu tụt quá sâu ảnh hưởng đến ngân sách và những vấn đề trong nước của họ.
Nhưng giờ đây, khi giá dầu đã xuống đến mức chỉ còn 54 USD/thùng, OPEC với người đứng đầu Ả Rập Saudi vẫn đang bình chân như vại. Không hề có dấu hiệu can thiệp nào từ phía tổ chức xuất khẩu dầu mỏ quyền lực nhất thế giới liên quan đến giá dầu. Cũng lạ lùng không kém khi hầu hết các thành viên khác của OPEC như Iraq hay Venezuela đều không tỏ thái độ trước việc giá dầu xuống thấp đến mức kỷ lục trong khi hầu hết các nước này đã là những người hoảng hốt nhất khi mà giá dầu còn ở mức gần 70 USD/thùng cách đây gần 2 tuần.
Thái độ bình thản một cách điềm nhiên của OPEC đang khiến giới phân tích nghiêng về phương án tổ chức này đang chủ động duy trì cơn sốt giảm giá dầu hiện nay để giành tối đa thị phần trên thị trường dầu thế giới. Chỉ loại Mỹ không thôi là chưa đủ, mà còn phải hạ cả Nga nữa. Một số hãng khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã giảm sản lượng, nhưng như thế vẫn là chưa đủ để triệt hạ ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến đang lên của Mỹ.
Và quan trọng không kém là đến giờ Nga vẫn chưa có dấu hiệu giảm sản lượng khai thác. Nếu OPEC chỉ triệt hạ được Mỹ thì tình hình sẽ không khác gì trước đây, khi vẫn còn Nga đối đầu trên thị trường dầu. Dễ hiểu rằng một khi OPEC đã chấp nhận những thiệt hại cho bản thân khi dìm giá để loại trừ Mỹ, thì họ sẽ không bỏ lỡ thời cơ để loại trừ thêm Nga.
Thực vậy, nếu có một cơ hội nào để triệt hạ Nga trên thị trường dầu thế giới, thì không lúc nào thích hợp hơn thời điểm hiện tại. Kinh tế Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 và giá dầu giảm mạnh đang là một đòn mạnh giáng vào quốc gia có lượng xuất khẩu dầu thô lớn hàng đầu thế giới này. Dễ dàng nhận ra dù đang rất khốn đốn với tình hình kinh tế khó khăn, nhưng Nga vẫn không giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu dù chính phủ của tổng thống Putin đang phải bơm USD từ dự trữ ngoại tệ và dùng đến công cụ kiểm soát tài chính để ngăn đồng Rup mất giá quá sâu.
Giới phân tích cho rằng, OPEC sẽ tiếp tục duy trì tình trạng giá dầu giảm, hoặc ít nhất cũng giữ ở mức thấp như hiện tại, đến khi Mỹ và Nga buộc phải chấp nhận lùi bước với việc giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu. Chỉ đến khi hai đối thủ sừng sỏ này chịu thua, OPEC và Saudi mới quyết định tung ra những chính sách để nâng giá dầu lên trở lại, khi mà tổ chức này đã nuốt trọn một phần lớn thị phần trên thế giới do Mỹ và Nga buộc phải để lại.
Theo Nhàn Đàm
Một thế giới/Bloomberg