1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Vũ Tiến Lộc: "Nếu ngại đụng chạm, VCCI không có lý do để tồn tại"

(Dân trí) - "VCCI phải có tiếng nói phản biện độc lập và có trách nhiệm. Nếu VCCI ngại đụng chạm, Chủ tịch VCCI không muốn bị ghét thì VCCI không có lý do gì để tồn tại cả", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.

Trước thềm lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào ngày 14/3 tới, Dân Trí xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cái tên đang được nhắc tới suốt thời gian qua trong vai trò khởi xướng việc doanh nghiệp “chấm điểm” bộ ngành, chính quyền các địa phương.


Ông Vũ Tiến Lộc: VCCI phải có tiếng nói phản biện độc lập và có trách nhiệm

Ông Vũ Tiến Lộc: VCCI phải có tiếng nói phản biện độc lập và có trách nhiệm

VCCI phải có tiếng nói phản biện độc lập và có trách nhiệm.

Trong năm qua, tôi đã nhiều lần chứng kiến Chủ tịch VCCI phát biểu cứng rắn và thẳng thắn trước diễn đàn Quốc hội và cả tại các hội nghị, hội thảo. Đặc biệt là, VCCI đã có những đóng góp rất mạnh mẽ để đấu tranh tháo bỏ những điều kiện kinh doanh trái luật bị cài cắm vào các văn bản pháp lý. Trong quá trình đó, có bao giờ ông bị phản ứng ngược trở lại?

- Những quan điểm khác nhau trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách là bình thường và cần thiết, vấn đề là các quan điểm khác nhau cần được trao đổi thấu đáo.

VCCI là tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nên ý kiến của tôi luôn đứng trên những quan điểm và kiến nghị chính đáng của DN, phù hợp với lợi ích chung của nền kinh tế.

Cũng phải thẳng thắn, thực tế xây dựng chính sách ở Việt Nam vẫn còn khá nhiều bất cập khi cơ quan làm chính sách và cơ quan thực thi chính sách là một, nên dễ thiết kế những điều khoản chính sách theo hướng có lợi cho mình và đẩy khó khăn về người dân, DN. Khi chưa có sự tách bạch trong việc này thì có lẽ các kiến nghị từ VCCI vẫn sẽ còn cứng rắn, mạnh mẽ.

Cũng phải nhấn mạnh, các ý kiến phản biện, đóng góp đều phải vì mục đích chung. Vậy nên, phản ứng là có, chắc chắn, nhưng khi tôi phát biểu trước Quốc hội, Chính phủ hay các diễn đàn khác thì không thấy có “đèn đỏ” nào bật cả.

Hơn thế, thường thì phản ứng lúc đầu, nhưng chúng tôi đều tìm cách để ngồi lại với nhau để cùng tìm phương án giải quyết phù hợp, đặt lên bàn lợi ích chung của nền kinh tế, của đất nước. Sau đó, hầu hết các kiến nghị mà VCCI tập hợp từ cộng đồng DN đều được ghi nhận và điều chỉnh. Quá trình sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Một số người nói rằng, cứ làm cái gì liên quan đến cải cách, dễ đụng chạm thì rất dễ bị ghét?

- Đương nhiên tôi hiểu điều đó. Nếu không muốn đụng chạm gì thì tốt nhất là cứ dĩ hòa vi quý, cứ nói thuận chiều.

Nhưng, cộng đồng DN không cho phép Chủ tịch VCCI làm như vậy, vì VCCI là đại diện cho tiếng nói của họ. Đảng, Nhà nước cũng đã giao cho VCCI nhiệm vụ thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, cần VCCI có tiếng nói phản biện, góp ý mang tính xây dựng, chứ không cần VCCI dĩ hòa vi quý.

VCCI phải có tiếng nói phản biện độc lập và có trách nhiệm. Nếu VCCI ngại đụng chạm, Chủ tịch VCCI không muốn bị ghét thì VCCI không có lý do gì để tồn tại cả.

Cá nhân tôi cũng vậy, không ngại đụng chạm. Tất nhiên, cũng có lúc tôi hơi gay gắt, quá nhiệt tình, quá bức xúc, quá thẳng thắn nên có lẽ là cũng phải lưu ý hơn.

PCI đã được "xuất khẩu" ra hơn 10 nước trên thế giới

Áp lực, căng thẳng, đã bao giờ ông “mất ngủ” vì những nhiệm vụ nhạy cảm mà VCCI đang làm?

- Có chứ. Cũng có lúc buồn. Cũng có lúc mất ngủ. Buồn vì có thể chúng tôi đã dốc hết tâm huyết cho công việc, nhưng không được ghi nhận, thậm chí có khi bị xuyên tạc.

Ngay như việc thực hiện xếp hạng bộ ngành (chỉ số MEI) hay xếp hạng các địa phương (chỉ số PCI), thời gian đầu cũng nhiều áp lực. Tôi còn nhớ, vài năm đầu công bố PCI, có địa phương đã đề nghị cho họ ra khỏi bảng xếp hạng, hay đề nghị Chính phủ yêu cầu VCCI không được xếp hạng...

Nhưng, chúng tôi vui vì sau đó mọi việc đã thay đổi. Các địa phương, kể cả địa phương có thứ hạng thấp, đều nhìn thấy tác dụng của PCI trong nỗ lực phát triển kinh tế địa phương. Các địa phương đã nhìn thấy sự cần thiết khi lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN. Trước khi yêu cầu cải thiện thứ hạng PCI được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, nhiều địa phương đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, của HĐND, UBND.

Tôi nhớ có một chuyên gia kinh tế đã nhận xét về PCI: Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới kinh tế, cho đến nay, hiếm có một công trình nào có sức thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và trực tiếp đến như vậy.

Điều quan trọng nhất trong xếp hạng PCI không phải là thứ hạng mà là những dư địa cải cách được chỉ ra, và các thực tiễn tốt được chia sẻ. Chúng tôi mừng nhất ở kết quả này. Các địa phương đang học hỏi lẫn nhau để cải thiện từng chỉ số PCI. Đó là thành công của PCI, dù có thể ban đầu sẽ tạo ra những áp lực nhất định cho những người làm.

Tôi cũng chia sẻ niềm vui với Dân trí là, không chỉ góp phần tạo ra động lực cải cách ở Việt Nam, mà PCI đã được “xuất khẩu” thành công tới trên 10 nước trên thế giới rồi…

Thủ tướng nhận bức công thư đầu tiên từ tay Chủ tịch VCCI ngay sau khi nhậm chức sáng 7/4/2016
Thủ tướng nhận bức công thư đầu tiên từ tay Chủ tịch VCCI ngay sau khi nhậm chức sáng 7/4/2016

PCI để đo lường chất lượng điều hành

PCI là một sáng kiến của VCCI và nay đã trở thành chỉ số quan trọng, nhưng có vẻ không phải địa phương nào cũng “phục” sau mỗi lần công bố bảng xếp hạng?

- Đúng vậy. Cũng có chuyện, nhiều địa phương thắc mắc, vì sao PCI của họ thấp, nhưng lại thu hút FDI rất cao và ngược lại, có địa phương PCI cao nhưng lại không có nhiều dự án FDI.

Đấy chính là vấn đề được phát hiện từ PCI. Đầu tư nước ngoài vào nhưng khu vực tư nhân trong nước không phát triển được phải chăng là sự thất bại của chính sách có sự ưu ái hơn với FDI trong tiếp cận cơ hội đầu tư, tiếp cận đất đai… Nhiều địa phương dường như đang tiếp nhận dòng vốn đầu tư hoàn toàn dựa vào vị trí thuận lợi của mình, vì hạ tầng, cảng biển… chứ không phải vì chất lượng thủ tục hành chính.

Chúng tôi muốn có PCI để đo lường chất lượng điều hành. Chính sách phải căn cứ vào tiếng nói của khu vực tư nhân trong nước, tạo nên một hệ tiêu chuẩn để các cấp chính quyền có cơ sở trong xây dựng và hoạch định chính sách phát triển của địa phương mình.

Bởi khu vực tư nhân trong nước mới chính là xương sống của nền kinh tế, quyết định tính bền vững của nền kinh tế.

Còn về việc xếp hạng các bộ, ngành?

- Trong quá trình xếp hạng các bộ, cũng có nhiều ý kiến, nhất là với các bộ, ngành có thứ hạng thấp.

Nhìn vào các bảng xếp hạng MEI đã công bố trong những năm qua, có thể thấy DN vẫn chưa thực sự an tâm, chưa hài lòng với việc xây dựng, tổ chức thực thi các quy định của pháp luật của các bộ, ngành, trong khi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ quan này.

Chỉ số hài lòng của doanh nghiệp với các bộ ngành chưa cao phát đi một thông điệp mạnh mẽ về yêu cầu tiếp tục cải cách thể chế trong thời gian tới. Có thể nhìn ra từ trong đó mong muốn các bộ ngành tập trung toàn lực vào các nhiệm vụ thể chế, hơn là cứ ôm mãi chức năng bên ngoài như chủ quản và dịch vụ công. Bỏ chức năng chủ quản các DNNN của các bộ ngành (phi chủ quản hoá) và chuyển giao dịch vụ công cho xã hội có thể sẽ giúp các bộ ngành có điều kiện tập trung làm tốt hơn nhiệm vụ thể chế.

Phải nói là, khi xây dựng các Chỉ số để cộng đồng DN đánh giá các cơ quan chính quyền, điều chúng tôi mong muốn nhất là có thể chuyển tải góc nhìn thẳng thắn của cộng đồng DN mà chúng tôi tin là cần thiết cho các bộ, ngành, để các công chức nhìn vào có thể thấy rõ dư địa cải cách trong công việc của mình.

Với MEI cũng như với PCI, chúng tôi tự thấy đã rất trách nhiệm trong việc phản ánh trung thực đánh giá của DN, dù biết rằng những đánh giá đó có thể không làm hài lòng một ai đó!

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác"

Trong những lần tiếp xúc, gặp gỡ với những lãnh đạo địa phương, bộ ngành bị VCCI đánh giá thấp, ông có khó xử không?

- Không. Tôi nhớ có lần, sau khi công bố PCI, một số lãnh đạo địa phương đã tự thừa nhận rằng, họ cần những bảng xếp hạng như PCI, vì họ đang thiếu cơ sở để yêu cầu bộ máy chuyển động.

Một số lãnh đạo địa phương cũng chia sẻ, họ muốn cải cách, thay đổi nhưng sự phản ứng của các cấp chậm, nhiều khi là không muốn làm vì “so với mọi nơi thì đã tốt lắm rồi” – họ nói thế. Có vị lãnh đạo từng nói đùa mà cũng rất thật là nếu mình làm mạnh quá, “trước khi mình thay thế người ta thì người ta đã vận động để thay thế mình rồi”.

Vẫn những con người đó, khi nhìn vào bảng xếp hạng PCI hay MEI, với thang điểm thấp, họ không thể nói là đã làm tốt, đã khiến cộng đồng hài lòng được. Các cấp lãnh đạo cũng nhìn thấy dư địa để cải cách, để tăng cường kỷ luật, thúc đẩy, nâng cao chất lượng công vụ.

Tôi còn nhớ, có năm Đà Nẵng tụt hạng từ thứ 1 xuống vị trí thứ 5, lãnh đạo Đà Nẵng khi đó đã nói với cấp dưới rằng: “DN còn nhẹ tay, còn chiếu cố đấy, lẽ ra còn phải tụt nữa”. Đó là một nhà cải cách thực sự, bởi ông đã không bảo thủ, không bảo vệ cho địa phương mình, mà ngược lại, biết sử dụng kết quả đó để gây sức ép, thúc đẩy địa phương phát triển hơn nữa. Việc các lãnh đạo địa phương chọn sử dụng chỉ số này như một công cụ hữu hiệu để tạo áp lực cải cách, chúng tôi coi là thành công lớn nhất của PCI.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lần nói: cái gì không đo đếm được thì khó có thể cải thiện mạnh mẽ được. Những bộ chỉ số như PCI chính là kết quả đo đếm được của chất lượng điều hành kinh tế ở cấp tỉnh thành.

Ông sẽ đấu tranh đến cùng cho lợi ích của DN nhỏ, yếu thế, và cho sự minh bạch của môi trường kinh doanh chứ?

- Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Thực ra, đây không phải là sự lựa chọn mà là sứ mệnh. Chúng tôi thực hiện công việc này như một lẽ tự nhiên, chứ không phải cân nhắc có nên làm hay không.

Khu vực này là động lực để phát triển đất nước, là chìa khóa để giải quyết vấn đề phát triển, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn về phương diện chính trị, xã hội.

Tôi nghĩ đơn giản là, điều quan trọng nhất của một đất nước không gì hơn chính là giải quyết công ăn việc làm đàng hoàng cho người dân. Khi mọi người dân đều đã có việc là đàng hoàng thì điều đó có nghĩa là xã hội đó giàu mạnh, hạnh phúc.

Ai có khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, đó chính là khu vực DN tư nhân, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Tôi rất vui vì đã có những đóng góp nhỏ vào sự nghiệp lớn của đất nước.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm