"Ông trùm" vận tải biển Việt Nam rao bán 15 tàu hàng
(Dân trí) - Năm nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) có kế hoạch bán, thanh lý 15 tàu hàng với tổng trọng tải 372.293 DWT, trong đó có 12 tàu bị tồn từ năm 2021 chưa bán được.
Thông tin trên được ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC - nêu ra tại họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra vào sáng nay (20/4).
Theo ông Sơn, trong năm 2021, VIMC chưa hoàn thành kế hoạch bán 5 tàu do thị trường tàu hàng khô tăng trưởng tốt, việc giữ tàu tiếp tục khai thác mang lại hiệu quả cao hơn so với kết quả thanh lý.
"Riêng tàu dầu Vinalines Glory đã được triển khai bán nhưng không thành công sau 3 vòng đấu giá và chào hàng cạnh tranh do thị trường tàu dầu sản phẩm năm 2021 không thuận lợi" - ông Sơn nói và cho biết hiện tàu đã được cho Vosco thuê tàu trần với hiệu quả tốt hơn so với phương án trực tiếp khai thác, phù hợp với chủ trương chuyên môn hóa khai thác của doanh nghiệp.
Trong năm nay, ông Sơn thông tin tổng số tàu bán, thanh lý đội tàu VIMC là 15 chiếc với tổng trọng tải 372.293 DWT, trong đó có 12 tàu bán/thanh lý chuyển tiếp từ kế hoạch năm 2021 với tổng trọng tải 293.654 DWT; có 3 tàu bán/thanh lý năm 2022 với tổng trọng tải 78.638 DWT.
Tại đại hội, VIMC đưa ra một số chỉ tiêu năm nay giảm so với thực hiện năm 2021. Cụ thể, sản lượng khối vận tải biển là 19,36 triệu tấn, bằng 85% so với năm 2021. Lý do giảm sản lượng được giải thích vì một số các đơn vị có kế hoạch bán tàu như Vinaship, VIMC Shipping, Biển Đông, Vitranschart, OSTC. Ngoài ra, một số tàu đã bán sau khi khai thác một thời gian trong năm 2021 cũng là nguyên nhân khiến sản lượng năm 2021 cao hơn kế hoạch năm nay.
Mục tiêu doanh thu hợp nhất là hơn 12.500 tỷ đồng, bằng 87,5% so với năm 2021; giảm chủ yếu ở doanh thu khối dịch vụ hàng hóa (giảm 440 tỷ đồng) do Vosa giảm mạnh hoạt động đại lý vận tải hàng không do có biên lợi nhuận thấp, đồng thời dự báo cước vận tải biển năm nay cũng sẽ giảm. Công ty VIMC Logistics giảm doanh thu thu hộ, trả hộ từ hoạt động đại lý hãng tàu và giảm doanh thu hàng dự án.
Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khối vận tải biển và dịch vụ hàng hải đều có sự tăng trưởng so với thực hiện năm 2021. Tuy nhiên lợi nhuận khối cảng biển giảm mạnh so với năm 2021 do trong năm lợi nhuận hợp nhất Cảng Sài Gòn ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 483,7 tỷ đồng từ khoản cơ cấu khoản nợ vay của SP-PSA; ngoài ra do lợi nhuận Cảng Quy Nhơn trong năm nay dự kiến giảm 220 tỷ đồng so với năm 2021 do không còn mặt hàng thiết bị điện gió.