1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Ông trùm” ngân hàng Hàn Quốc “nhảy” vào BIDV; Chứng khoán Việt một phen khuấy động

(Dân trí) - Sau thông tin dự kiến phát hành cổ phần riêng lẻ cho KEB Hana Bank (chiếm 15% vốn điều lệ mới), cổ phiếu “ông lớn” BID sáng nay tăng trần đã góp vào mức tăng của VN-Index tới 2,05 điểm. Nhóm ngân hàng “bừng tỉnh”, dòng tiền dồn dập vào thị trường và đẩy VN-Index bật tăng hơn 14 điểm trong phiên giao dịch sáng.

Với thanh khoản được cải thiện so với các phiên giao dịch trước, dường như tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thoải mái hơn trong kế hoạch giải ngân. Diễn biến các chỉ số nhờ đó cũng trở nên tích cực hơn hẳn.

Ngay từ đầu phiên, đà tăng đã được xác lập. VN-Index khép lại phiên giao dịch buổi sáng cuối tháng 10 với mức tăng 14,27 điểm tương ứng 1,61% lên 902,96 điểm, đây cũng là mức cao nhất trong phiên sáng của chỉ số này. Trên sàn HSX có 191 mã tăng giá, lấn át hoàn toàn so với 77 mã giảm giá.

HNX-Index cũng đạt mức tăng mạnh 1,89 điểm tương ứng 1,86% lên 103,61 điểm nhờ có 71 mã tăng giá, gần gấp đôi so với số mã giảm.

Khối lượng giao dịch được đẩy lên 101,9 triệu cổ phiếu trên HSX, tương ứng 2.105,45 tỷ đồng còn trên HNX, khối lượng giao dịch cũng đạt 18,32 triệu cổ phiếu tương ứng 250,06 tỷ đồng.

Ngoài VHM tăng mạnh đóng góp 2,2 điểm cho VN-Index sáng nay, MSN đóng góp vào hơn 1 điểm thì thị trường đang được sự hỗ trợ đáng kể từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Lực cung cổ phiếu rẻ được cho là đã dần cạn kiệt trên thị trường.
Lực cung cổ phiếu rẻ được cho là đã dần cạn kiệt trên thị trường.

Theo đó, “ông lớn” BID sáng nay tăng trần đã góp vào mức tăng của VN-Index tới 2,05 điểm; VCB đóng góp 1,48 điểm, TCB đóng góp 0,99 điểm, CTG đóng góp 0,76 điểm. Trên HNX, riêng ACB đã đóng góp vào mức tăng của chỉ số tới 1,23 điểm. SHB cũng đóng góp 0,1 điểm cho chỉ số sàn Hà Nội. Còn tại UPCoM, VIB tiếp tục tăng 0,8% lên 26.600 đồng.

Diễn biến tăng trần của BID sáng nay đã chấm dứt chuỗi 6 phiên liên tục giảm điểm của mã này. Thông tin tích cực là ngân hàng này công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Theo đó, tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Đối tượng phát hành, theo BIDV là Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc – ngân hàng hiện đang có tài sản đạt 299 tỷ won (tương đương 255 tỷ USD) và đứng đầu trong số các ngân hàng thương mại tại Hàn Quốc

KEB Hana Bank có 134 chi nhánh nước ngoài tại 24 quốc gia, chủ yếu ở Châu Âu, Trung Đông, Châu Mỹ và đặc biệt ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Số lượng cổ phần dự kiến phát hành là hơn 603 triệu cổ phần. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá dự kiến là hơn 6.033 tỷ đồng và giá phát hành sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 40.220 tỷ đồng.

Thời gian phát hành dự kiến là năm 2018 – 2019. Thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược là tối thiểu 5 năm kể từ khi đối tác lần đầu tiên trở thành cổ đông của ngân hàng.

Kết thúc 3 quý đầu năm, BIDV báo lãi trước thuế tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.254 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018. Không chỉ BIDV mà một loạt ngân hàng khác cũng báo lãi tăng đột biến: Vietcombank lãi trước thuế kỷ lục 11.683 tỷ đồng tăng 47% so với cùng kỳ; Techcombank lãi 7.774 tỷ đồng, tăng 61%; ACB lãi 4.776 tỷ đồng, gấp 2,5 lần; VIB lãi 1.720 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ… Cổ phiếu các ngân hàng theo đó cũng đã chấm dứt được chuỗi giảm liên tục diễn ra trong nhiều phiên trước đó.

Trở lại với thị trường chứng khoán, ở chiều ngược lại, những mã lớn như VNM, SAB giảm giá cũng đã kìm hãm đáng kể đà tăng giá của thị trường.

Theo đánh giá của VCBS, việc thanh khoản tiếp tục ở mức thấp trong những phiên giao dịch trước cho thấy lực cung giá thấp đã bắt đầu cạn kiệt trên thị trường, đặc biệt ở những cổ phiếu đã giảm sâu kể từ đầu tháng 10.

Với diễn biến hiện tại, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể xem xét giải ngân thăm dò với tỷ trọng nhỏ và không dùng đòn bẩy vào những mã cổ phiếu có cơ bản tài chính tốt, mức vốn hóa trung bình hoặc vốn hóa lớn và đang trong trạng thái quá bán với kỳ vọng vào nhịp hồi phục trong những phiên sắp tới.

Mai Chi

“Ông trùm” ngân hàng Hàn Quốc “nhảy” vào BIDV; Chứng khoán Việt một phen khuấy động - 2