Ông Trần Bắc Hà nói "tôi bình thường", nhưng cổ phiếu BIDV vẫn giảm kịch sàn

(Dân trí) - Mặc dù báo chí đồng loạt đưa tin lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã bác bỏ thông tin bắt giữ ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch BIDV song cổ phiếu BID của ngân hàng này vẫn bị bán tháo rất mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, mã này giảm kịch sàn và hoàn toàn trắng bên mua, qua đó góp phần khiến VN-Index bị đánh “bay” gần 18 điểm.

Là mã có vốn hóa lớn trên thị trường, sự sụt giảm điểm số của BID gây tác động không nhỏ tới thị trường chung.
Là mã có vốn hóa lớn trên thị trường, sự sụt giảm điểm số của BID gây tác động không nhỏ tới thị trường chung.

Đóng cửa phiên giao dịch 9/8, chỉ số hai sàn tiếp tục giảm sâu. Chốt phiên, VN-Index lao dốc mất 17,91 điểm tương ứng 2,26% còn 773,66 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm tương ứng 1,19% còn 101,07 điểm. Đây là mức giảm sâu nhất của thị trường kể từ thời điểm hồi đầu năm ngoái cho đến nay. Thanh khoản đạt 5.378 tỷ đồng trên sàn HSX với khối lượng giao dịch gần 308 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Trong khi đó, sàn Hà Nội có trên 120 triệu cổ phiếu được sang tay, trị giá trên 924 tỷ đồng. Đáng chú ý là mặc dù báo chí đồng loạt đưa tin lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã bác bỏ thông tin bắt giữ ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch BIDV song cổ phiếu BID của ngân hàng này vẫn bị bán tháo rất mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, mã này giảm kịch sàn, mất 1.500 đồng mỗi cổ phiếu còn 20.400 đồng. Không hề có dư mua trong khi dư bán sàn còn tới 142 nghìn đơn vị. Đáng nói là khối lượng khớp ở mã này vẫn mạnh, đạt xấp xỉ 9,7 triệu cổ phiếu, chứng tỏ vẫn có một bộ phận nhà đầu tư “ôm” vào cổ phiếu này nhân dịp giảm sâu. BIDV hiện là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay với quy mô vốn hóa gần 75.000 tỷ đồng.

Chính vì vậy, việc BID “đổ đèo” khiến thị trường bị tác động mạnh. Các mã vốn hóa lớn khác như VNM cũng giảm tới 1,32%; SAB giảm 4,35%; GAS giảm 1,71%; VIC giảm 3,12%; VCB giảm 1,56%, PLX giảm 2,52%... càng nhấn thị trường vào “biển lửa”. Tổng cộng, trong phiên hôm nay, thị trường có 324 cổ phiếu giảm giá, 28 mã giảm sàn so với 148 mã tăng, 13 mã tăng trần.

Cũng trong phiên chiều nay, cổ phiếu DQC và RDP tiếp tục chuỗi giảm điểm. Đóng cửa, DQC mất 1.050 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 2,7%, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn 102 nghìn cổ phiếu. RDP giảm 1.000 đồng, tương ứng 4,7%, khớp lệnh nhỏ giọt hơn 51 nghìn đơn vị. Bộ đôi BHS và SBT nằm sàn và trắng bên mua. Trong khi SBT vắng giao dịch thì BHS vẫn có tới trên 6 triệu đơn vị khớp lệnh. Hiện tại, mức giá của BHS là 18.900 đồng mỗi cổ phiếu và SBT là 31.500 đồng.

.......................................................................

Phiên giao dịch sáng nay (9/8), chỉ số sàn TPHCM (VN-Index) diễn biến bất lợi. Đến thời điểm sau 10 giờ, chỉ số này đột ngột lao dốc, đồ thị gần như thẳng đứng, với những diễn biến tiêu cực của cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong đó, mã BID của BIDV giảm kịch sàn xuống còn 20.400 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, tại thời điểm 10 giờ sáng, VN-Index giảm 5,58 điểm tương ứng 0,7% xuống 785,99 điểm; HNX-Index giảm 0,24 điểm tương ứng 0,24% xuống 102,04 điểm.

Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau đó, biên độ giảm nới rộng, VN-Index chỉ còn 776 điểm tức giảm tới 15,57 điểm và HNX-Index cũng giảm 1,47 điểm còn 100,81 điểm.

Nguyên nhân kéo các chỉ số giảm sâu được cho là bắt nguồn từ diễn biến tiêu cực của cổ phiếu ngành ngân hàng. BID của Ngân hàng BIDV giảm kịch sàn xuống còn 20.400 đồng/cổ phiếu. Một loạt các cổ phiếu cùng ngành khác “đỏ sàn”: CTG, ACB, EIB, MBB, STB, VCB… đều giảm giá.

Thời điểm hiện tại (11 giờ), cổ phiếu BID đã rút ngắn biên độ giảm xuống còn 1.200 đồng và mức giá đạt 20.700 đồng, khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 5,9 triệu đơn vị, tuy nhiên, diễn biến vẫn bất lợi do áp lực bán lớn.

Phiên hôm nay, BID gây chú ý với việc chia cổ tức tiền mặt 7%. Ngoài ra, tại ngân hàng này cũng đang tạo nên không ít băn khoăn cho giới đầu tư khi trống ghế Chủ tịch HĐQT trong một thời gian dài kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu mà chưa có người thay thế.

Trên thị trường cũng đang xuất hiện một số thông tin bất lợi chưa được kiểm chứng về cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí sáng nay, ông Hà cho biết ông vẫn "bình thường" và không muốn nói chuyện nhiều hơn tại thời điểm hiện tại.

Ông Hà đã nghỉ hưu theo chế độ từ 1/9/2016 sau hơn 8 năm làm Chủ tịch BIDV. Tuy nhiên, cho đến nay, BIDV vẫn chưa có tân chủ tịch mà chỉ có một Ủy viên phụ trách HĐQT là ông Trần Anh Tuấn (cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu).

Cách đây 5 năm, hồi 2012, ông Trần Bắc Hà cũng đã từng vướng vào thông tin bị bắt và ông đã từng nhờ cơ quan điều tra vào cuộc để truy tìm thủ phạm tung tin đồn thất thiệt. Sau đó, qua gần 4 tháng điều tra, Tổng cục An ninh II - Bộ Công An đã tìm ra 3 đối tượng tung tin đồn (sinh năm 1976, 1980 và 1985, công tác tại TPHCM và Hà Nội) là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia đầu tư chứng khoán. Các đối tượng tuy không có mục đích phá hoại nhưng có động cơ vụ lợi về kinh tế.

Trở lại sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu DQC của Bóng đèn Điện Quang và RDP của Nhựa Rạng Đông cũng đang giảm giá khá mạnh, khối lượng khớp lệnh yếu. DQC giảm 400 đồng còn RDP giảm tới 900 đồng.

Cặp đôi cổ phiếu này thời gian gần đây liên tục mất giá trong bối cảnh Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, người có liên quan đến cả hai doanh nghiệp (cổ đông và có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo doanh nghiệp), đang bị kỷ luật. Ngày hôm qua, bà Thoa đã bị Ban Bí thư miễn nhiệm chức danh Ủy viên Ban Cán sự đảng và đang tiếp tục bị đề nghị cách thức Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Bích Diệp