Ông Phạm Văn Tam nói gì khi Bộ Công an kết luận chưa có căn cứ xác định Asanzo lừa dối khách hàng?

Chủ tịch HĐQT Asanzo cho biết, đây có thể được xem là một biến cố trong quá trình phát triển của công ty. Tuy vậy, ngay thời điểm sự việc xảy ra, toàn bộ hệ thống của Asanzo phải ngưng trệ, gây thiệt hại nặng nề.

Đó chỉ là một "biến cố"

Mới đây, Bộ Công an kết luận đã kết luận: "Chưa có căn cứ xác định Công ty CP Tập đoàn Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch HĐQT lừa dối khách hàng" trong vụ việc công ty này có dấu hiệu: “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “lừa dối khách hàng” trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, nhưng về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ 3 và có hay không dấu hiệu “buôn lậu”, “trốn thuế”.

Ông Phạm Văn Tam nói gì khi Bộ Công an kết luận chưa có căn cứ xác định Asanzo lừa dối khách hàng? - 1

Bộ Công an cho rằng việc các sản phẩm của Asanzo ghi nhãn mác “xuất xứ Việt Nam” là không sai.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Asanzo cho biết, đây có thể được xem là một biến cố trong quá trình phát triển của công ty. Tuy vậy, ngay thời điểm sự việc xảy đến, toàn bộ hệ thống của Asanzo phải ngưng trệ, gây thiệt hại nặng nề.

“Thật ra thì nói khủng hoảng thì cũng không hẳn, tôi gọi đó là biến cố. Về câu chuyện của một năm trước, đến thời điểm này thì tôi cũng nắm trong tay kết quả đầy đủ, và Asanzo chẳng có lỗi gì. Tuy thiệt hại ban đầu rất lớn nhưng tôi đủ trải qua được, tôi tin pháp luật Việt Nam rất công bằng. Với kết quả đang nắm trong tay này, tôi càng tự tin hơn để phát triển hơn nữa”, ông Tam cho hay.

Theo doanh nhân Phạm Văn Tam, trước khi xảy ra biến cố, anh phát hiện có nhiều chuyện cần thay đổi về quản trị trong các doanh nghiệp anh đang quản lý, vừa giữ được thương hiệu cũ nhưng không phải theo cách làm cũ.

Để thực hiện mục tiêu đó, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cho biết, hiện nay ông đã thành lập tập đoàn đầu tư có tên Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Winsan.

"Winsan như một chiếc 'bơm trợ lực' cho các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng nhân rộng nhưng còn thiếu nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị", ông Tam nói.

 Thành lập tập đoàn đầu tư 

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Winsan (địa chỉ tại số 149/B1 Lý Thánh Tông, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP HCM) do ông Phạm Văn Tam làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu gồm: Đại lý, mô giới, đấu giá hàng hóa; Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính; tư vấn quản lý; Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất...

Công ty được thành lập với số vốn điều lệ là 300 tỷ đồng với 3 cá nhân góp vốn gồm: Ông Phạm Văn Tam với 285 tỷ đồng, tương đương 95% vốn; Bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng, tương đương 4,5% vốn và ông Phùng Đông Hưng với 1,5 tỷ đồng, tương đương 0,5% vốn điều lệ.

Ông Phạm Văn Tam nói gì khi Bộ Công an kết luận chưa có căn cứ xác định Asanzo lừa dối khách hàng? - 2

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Winsan.

Khác với mô hình quỹ khởi nghiệp Asanzo đã triển khai năm ngoái chỉ tập trung vào startup điện tử, phần cứng, Winsan mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát...

Bên cạnh rót vốn, tập đoàn khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng nhân sự giỏi, chuyên gia đầu ngành để đảm nhận các vị trí cấp cao, hỗ trợ các công ty này bứt phá trên cuộc đua cạnh tranh, giảm tỷ lệ thất bại.

Động thái thành lập Tập đoàn Winsan của ông chủ hãng tivi Việt là bước tiến nhằm mở rộng hệ sinh thái ngành hàng ra khỏi lĩnh vực điện tử gia dụng. Đại diện Asanzo giải thích, cái tên Winsan lấy ý tưởng từ thuật ngữ "win - win" của nghệ thuật kinh doanh hiện đại, kỳ vọng mang thắng lợi đến cho cả hai bên cùng hợp tác. Nguồn lực ban đầu dự kiến 1.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử.

"Trong giai đoạn đầu tiên, chúng tôi chọn lọc các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm phục vụ cho phần đông người tiêu dùng bình dân, người lao động thu nhập thấp. Việc siết tiêu chí này giúp tối ưu hóa các khoản đầu tư vốn", ông Tam chia sẻ.

Theo chia sẻ trên phương tiện truyền thông, ông Tam cho biết, ý tưởng thành lập mô hình tập đoàn đầu tư Winsan đã được nung nấu cách đây 3 năm, đây là kết quả của một quá trình dài đầu tư, kinh doanh. 

"Trong quá trình phát triển, tôi có 10 công ty kinh doanh, sản xuất sở hữu bộ phận tài chính riêng nên bộ máy hoạt động cồng kềnh, hàng ngày phải nhận báo cáo từ tất cả công ty rất nhức đầu. Winsan ra đời sẽ cắt giảm bộ phận tài chính đó và tập trung tất cả cho tập đoàn quản lý" ông Tam nói.

Ngoài ra, trước đây, người tiêu dùng chỉ biết đến Asanzo là nhãn hàng sản xuất, kinh doanh TV, máy lạnh… Khi chuyển sang lĩnh vực khác như bất động sản hay thực phẩm, họ sẽ thắc mắc vì không thấy mối liên quan. Do vậy, nhiều tập doanh nghiệp muốn đầu tư vào Asanzo vẫn e ngại khi đứng dưới trướng một nhãn hàng. Đơn cử, một công ty điện tử có ý định đi xa hơn lại sợ cạnh tranh với sản phẩm công nghệ của Asanzo.

Vì vậy, CEO Phạm Văn Tam cho rằng, thành lập tập đoàn là lộ trình tất yếu nếu muốn đi xa, hoạt động độc lập để thu hút nhà đầu tư. Winsan ra đời một phần để quản lý tài chính của tất cả ngành hàng đang kinh doanh, phần khác “xây tổ đại bàng” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, ông chủ hãng tivi Việt còn đặt mục tiêu kết nối Winsan với các đối tác nước ngoài đã nhiều năm làm việc cùng Asanzo, từ đó tạo dựng quỹ đầu tư quy mô lớn, tiếp cận và hỗ trợ đa dạng mô hình kinh doanh.