1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Phạm Nhật Vượng "bỏ túi" hơn 8.000 tỷ đồng trong ngày "rực lửa"

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi thị trường "đỏ lửa" với hơn 600 mã giảm thì VIC đã phát huy tốt vai trò đầu tàu - tăng trần - đóng góp 6,67 điểm cho VN-Index và mang lại cho ông Phạm Nhật Vượng thêm 8.248 tỷ đồng.

Hơn 600 mã giảm giá

623 là số lượng mã chứng khoán giảm giá trong phiên giao dịch hôm nay (29/11) và có 16 mã giảm sàn. Trong khi đó phía tăng có 459 mã, 79 mã tăng trần.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía giảm, sắc đỏ chiếm chủ đạo trong bức tranh thị trường. Trong đó, trên sàn HSX số lượng mã giảm là 293 mã, vượt xa số mã tăng là 187 mã; trên sàn HNX là 138 mã giảm, 109 mã tăng; trên sàn UPCoM là 192 mã giảm, 163 mã tăng.

Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 8,19 điểm tương ứng 0,55% còn 1.484,84 điểm. UPCoM-Index giảm 0,27 điểm tương ứng 0,24% còn 114,06 điểm. HNX-Index ngược lại, "xanh vỏ đỏ lòng", vẫn tăng 1,96 điểm tương ứng 0,43% lên 460,58 điểm.

Ông Phạm Nhật Vượng bỏ túi hơn 8.000 tỷ đồng trong ngày rực lửa - 1

Chỉ số của dòng cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ tăng trong khi thị trường giảm (Ảnh chụp màn hình).

Tình trạng bán tháo đã không hề diễn ra như một số lo ngại của giới đầu tư do ảnh hưởng tiêu cực của đà giảm chung trên thị trường thế giới trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới của Covid-19 là Omicron với tốc độ lây lan nhanh và được cho là rất nguy hiểm.

Một trong những "công thần" giúp chỉ số không bị rơi mạnh trong phiên hôm nay chính là VIC của Vingroup. Mã cổ phiếu này tăng trần trong khi rổ VN30 có tới 26 mã giảm giá.

Với diễn biến tăng trần của VIC lên 105.300 điểm, VN-Index có thêm 6,67 điểm. Điều này cũng đưa VIC giành lại "ngôi vương" về giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, với giá trị vốn hóa cuối phiên đạt 400.689 tỷ đồng tại thời điểm cuối phiên hôm nay, VIC đã vượt qua VCB để đứng đầu toàn thị trường về giá trị vốn hóa.

Đồng thời, VIC tăng 6.800 đồng/cổ phiếu cũng đồng nghĩa với việc, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup - cũng tăng thêm 8.248 tỷ đồng chỉ trong một phiên giao dịch. Ông Vượng đang sở hữu tổng cộng 1,27 tỷ cổ phiếu VIC (cả trực tiếp và gián tiếp). Cuối phiên hôm nay, tài sản của người giàu nhất Việt Nam ước đạt 227.018 tỷ đồng.

Ông Phạm Nhật Vượng bỏ túi hơn 8.000 tỷ đồng trong ngày rực lửa - 2

VIC đã giành lại "ngôi vương" vốn hóa trong phiên tăng giá kịch trần (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, rổ VN30 hôm nay cũng có 3 mã cổ phiếu khác tăng giá là VHM tăng 1,8%; SSI tăng 3,4% và HDB tăng 0,5%. Những mã này đã có ảnh hưởng tích cực lên biến động của VN-Index, "níu" chỉ số và không để tâm lý "tháo hàng" xảy ra trên diện rộng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng của thị trường.

Cổ phiếu đầu tư công và chứng khoán hồi phục mạnh

Lực cầu của thị trường đã giúp thị trường giữ nhịp khá tốt. Thanh khoản mặc dù vẫn giữ ở mức cao nhưng lại giảm so với phiên trước trong bối cảnh thị trường điều chỉnh giảm. Khối lượng giao dịch trên HSX vẫn đạt trên 1 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch là 31.592 tỷ đồng; HNX có 133,95 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.713,4 tỷ đồng; UPCoM có 103,26 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.243,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dòng tiền phiên hôm nay tiếp tục chảy mạnh vào cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ. Những cổ phiếu ở các ngành hàng có triển vọng tăng trưởng cuối năm được nhà đầu tư săn đón.

Theo đó, chỉ số VNMID-Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng nhẹ 0,02% và VNSML-Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng tăng 13,16 điểm tương ứng 0,64%.

Với triển vọng đầu tư công cải thiện trong giai đoạn cuối năm, những mã cổ phiếu được cho là hưởng lợi đã thu hút mạnh mẽ sự tham gia của nhà đầu tư. Cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản như SVT, TLH, YBM, TNT, VID tăng kịch trần, trắng bên bán; SMC tăng 4,2%; KSB tăng 2,7%: POM tăng 2,5%...

Cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu nhiều mã "tím sàn" - tăng kịch biên độ: FCN, LCG, TCD, CII, CTI, FCM, NAV, PTC, C47, VCG, MCG. Trên sàn UPCoM, nhóm này cũng tăng trần, tuy nhiên thanh khoản thấp: LIC, DX2, LG9, DCF, TVA, VHH, PBT. Các mã cùng ngành như G36 cũng tăng 8,8%; C4G tăng 8,5%; HHV tăng 6,1%.

Nhiều mã cổ phiếu ngành chứng khoán hồi phục mạnh mẽ sau khi điều chỉnh ở đầu phiên. IVS và VIX tăng trần, trắng bên bán dù đầu phiên mở cửa với giá "đỏ"; AGR tăng 3,5%; APS tăng 3,5%; SSI tăng 3,4%; BSI tăng 2,6%; VND tăng 2,4%; APG tăng 1,9%.

Dòng cổ phiếu ngân hàng trong ngày đầu tuần bị bán chốt lời ồ ạt. Nhiều mã cổ phiếu trong dòng này rơi khá sâu như: VCB giảm 3,7%; TCB giảm 3,1%; STB giảm 3,1%; BID giảm 2,1%; VPB giảm 2%; MBB giảm 1,7%...

Những mã ngân hàng nhỏ cũng giảm mạnh, SGB giảm 5,4%, có lúc giảm sàn về 17.400 đồng; NAB giảm 4,5%; BVB giảm 4,3%; VBB có lúc giảm sàn và cuối phiên đóng cửa giảm 3,5%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm