1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ông Nguyễn Thành Phong: Thiệt hại hơn nửa triệu tỷ đồng vì dịch Covid-19

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cần thiết có gói kích thích, hỗ trợ để vừa khơi thông tiêu dùng nội địa, vừa đẩy mạnh xuất khẩu.

Quy mô gói kích thích đủ lớn nhưng phải đảm bảo cân đối vĩ mô

Tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2021 diễn ra sáng nay (5/12), ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết với tinh thần chủ động từ sớm từ xa, các cơ quan của Quốc hội đã có các cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để bàn về chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ông Nguyễn Thành Phong: Thiệt hại hơn nửa triệu tỷ đồng vì dịch Covid-19 - 1

Phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2021 (Ảnh: Quốc Chính).

Theo ông Thanh, có thể vạch ra một số nguyên tắc lớn khi xây dựng, thiết kế gói hỗ trợ phục hồi và phát triển như bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội...

Nhấn mạnh gói hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, ông Thanh cho biết sẽ hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu. Trong đó về phía cung, giảm thuế cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đồng thời kích cầu thị trường, đầu tư.

Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, gói hỗ trợ sẽ kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, phối hợp hài hòa hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô.

"Gói hỗ trợ cũng cần đủ lớn. Nếu quy mô gói hỗ trợ không đủ lớn thì sẽ không tạo ra được cú huých, không tạo ra thay đổi như kỳ vọng, thậm chí lãng phí nguồn lực hỗ trợ. Thực hiện gói kích thích, cũng cần lưu ý tính khả thi, nhanh chóng, hiệu quả", ông Thanh nhấn mạnh.

Theo đó, ông Thanh cho biết các vấn đề tổ chức thực hiện thể nào cần hết sức được quan tâm. Việc rót vốn sẽ tập trung ngành trọng tâm, trọng điểm, hấp thu nhanh, kích thích nền kinh tế. Thời gian thực hiện dự kiến kéo dài hai năm 2022-2023, trong đó năm 2022 để phục hồi, khắc phục thiệt hại do Covid-19.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh việc thực hiện các gói hỗ trợ song cần thiết đảm bảo kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn nền kinh tế. "Trong ngắn hạn có thể thay đổi nhưng dài hạn đảm bảo an ninh hệ thống tài chính quốc gia. Đồng thời chính sách phân bổ cũng phải đảm bảo công khai minh bạch, không để xảy ra lợi ích nhóm", ông Thanh lưu ý.

2 động lực tăng trưởng quan trọng

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, qua tính toán, ảnh hưởng từ đại dịch tới kinh tế là rất nặng nề.

Sang quý III năm nay khi Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư. 23 tỉnh thành bao gồm cả Hà Nội và TPHCM buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt để chống dịch (các tỉnh thành này chiếm hơn 72% GDP của cả nước) đã làm cho nền kinh tế nước ta lao dốc. Theo đó, kinh tế quý III giảm tới 6,17% so với cùng kỳ. Ước tính GDP cả năm nay có khả năng tăng trưởng khoảng 2,1-2,8%.

Ông Phong cho biết, để tính toán thiệt hại về vật chất do Covid-19 gây nên, nhóm nghiên cứu đã sử dụng giả thiết: Nếu không có đại dịch thì GDP Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 sẽ tăng bình quân 7%/năm.

Như vậy năm 2020 Việt Nam thiệt hại khoảng 161.400 tỷ đồng và năm 2021 khoảng 345.900 tỷ đồng và cả 2 năm, Việt Nam thiệt hại tổng cộng 507.300 tỷ tính theo giá cố định 2010. Còn theo giá hiện hành, con số này tương đương khoảng 847.000 tỷ đồng (khoảng 37 tỷ USD).

Ông Nguyễn Thành Phong: Thiệt hại hơn nửa triệu tỷ đồng vì dịch Covid-19 - 2

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương  (Ảnh: Quốc Chính).

Để giảm thiệt hại về kinh tế, ông Phong cho rằng phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp để nhanh chóng tạo động lực kinh tế, trong đó gói hỗ trợ kích thích là cần thiết.

Trong đó, ông Phong nhấn mạnh đến việc khơi thông tiêu dùng nội địa, xuất khẩu - 2 động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, gói kích thích cần hướng tới giảm chi phí sản xuất doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí phòng chữa bệnh, nhà ở cho công nhân, trợ cấp cho công nhân và gia đình họ có cuộc sống ổn định để khôi phục nhanh chóng nền kinh tế Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.

Ở khía cạnh kích thích thị trường trong nước, ông Phong nhấn mạnh đến việc khai thác, đẩy mạnh hàng tiêu dùng thay thể hàng nhập khẩu hiện nay. Đồng thời không khuyến khích quá mức bởi vậy sẽ giảm tiết kiệm, giảm đầu tư. Ông Phong cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện phục hồi, thì chuyển đổi số sẽ là điều quan trọng để tận dụng sức mạnh thời đại.

Tại diễn đàn, GS. Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - cũng cho rằng cần đánh giá mức độ hấp thụ nền kinh tế. Trong đó mức độ giải ngân đầu tư công có thực hiện được, tốc độ tăng trưởng tín dụng ra sao. "Giải ngân đầu tư công rất chậm, khó khả năng về đích năm nay. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 8%", ông Cường nói. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ, chuyển vốn vào chậm. Liệu có đi vào sản xuất kinh doanh không hay lại đi đâu?

ADB: Việt Nam nên nâng gói hỗ trợ kinh tế lên khoảng 5 - 7% GDP

Tại Diễn đàn Kinh tế 2021 diễn ra sáng nay (5/12), đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á đã có những góp ý về chính sách tài khóa đối với Việt Nam.

Theo đại diện ADB, từ kinh nghiệm của các nước châu Á trong việc thực hiện các biện pháp tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19 có thể rút ra một số bài học và hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Trong đó thứ nhất, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính nên về phương diện lý luận cũng như thực tiễn thì để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

Do vậy chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển.

Thứ hai theo ADB, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.

"Tuy nhiên về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi NSNN để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025", đại diện ADB nêu quan điểm.

Cũng theo đại diện ADB, các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cũng không kém phần quan trọng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn chuyển tiếp hướng tới phục hồi.

"Điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn (gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP) đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi", đại diện ADB nêu.