DBiz

Ông Nguyễn Quốc Cường và nhiều chủ nợ quen mặt của Quốc Cường Gia Lai

Khổng Chiêm
Ông Nguyễn Quốc Cường và nhiều chủ nợ quen mặt của Quốc Cường Gia Lai

Những "chủ nợ thân thiết"

Báo cáo tài chính quý III/2024 của Công ty Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) cho biết ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng giám đốc - cho doanh nghiệp vay 30 tỷ đồng. Quý III này cũng là quý đầu tiên ông Cường lên đảm nhận vị trí thay mẹ - bà Nguyễn Thị Như Loan.

Từ lâu, ông Nguyễn Quốc Cường mới xuất hiện trong danh sách các cá nhân cho Quốc Cường Gia Lai mượn nợ. Trước đó, năm 2016, ông Cường cũng cho doanh nghiệp mượn số tiền tương tự 30 tỷ đồng, khi ông đang đảm nhận vị trí Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Phó tổng giám đốc. Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, ông Cường từ nhiệm các vị trí vì lý do cá nhân và cũng không phát sinh vay mượn với công ty.

Thống kê từ năm 2016 đến tháng 9 năm nay, gia đình ông Nguyễn Quốc Cường là "chủ nợ thân thiết" của Quốc Cường Gia Lai. Bà Nguyễn Thị Như Loan, với vai trò Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, đồng thời là cổ đông lớn, đều cho doanh nghiệp vay tiền mỗi năm.

Giai đoạn 2017-2020, mỗi năm bà Loan cho công ty vay hàng trăm tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, con số đều ở mức vài chục tỷ đồng. Tính đến tháng 9 năm nay, bà Loan còn cho công ty vay 2 tỷ đồng, trong bối cảnh bản thân bà gặp biến cố pháp lý, đang bị điều tra liên quan một dự án tại TPHCM.

Ông Nguyễn Quốc Cường và nhiều chủ nợ quen mặt của Quốc Cường Gia Lai - 1

Danh sách các cá nhân cho Quốc Cường Gia Lai vay tiền qua các năm (Số đã được làm tròn, Đơn vị: tỷ đồng).

Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My - cổ đông lớn của Quốc Cường Gia Lai và chồng là ông Lầu Đức Huy - cũng cho doanh nghiệp vay nhiều tỷ đồng mỗi năm. Cá biệt năm 2019, hai người này cho công ty vay tới 546 tỷ đồng, cao nhất trong giai đoạn khảo sát.

Nhiều người thân khác trong gia đình bà Loan như em gái Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, em rể Hồ Viết Mạnh cũng có vài năm cho công ty vay tiền.

Một nhóm chủ nợ lâu năm khác của Quốc Cường Gia Lai là ông Lại Thế Hà và con gái Lại Thị Hoàng Yến cũng đều đặn hàng năm cho công ty vay tiền. Ông Hà từng trải qua vị trí Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai, sát cánh cùng bà Loan trong nhiều năm qua. Còn bà Yến, số tiền cho công ty vay nhiều nhất trong giai đoạn 2017-2018 với tổng cộng 1.863 tỷ đồng.

Đi ngược với việc tăng cường vay nợ các cá nhân lãnh đạo và người thân, kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai trong nhiều năm qua suy giảm. Nếu như giai đoạn 2017-2018, Quốc Cường Gia Lai có thể lãi trên trăm tỷ đồng thì các năm sau đó, công ty lãi vài chục tỷ đồng mỗi năm. Nhất là năm 2023, lợi nhuận thấp nhất trong 8 năm, còn 3 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước.

Công ty giải trình nguyên nhân lợi nhuận suy giảm là thị trường bất động sản đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa được giải quyết. Nguồn vốn vào bất động sản bị thu hẹp, các khoản giải ngân cho khách hàng và doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Lãi suất ngân hàng tăng gây áp lực lớn cho khách hàng và doanh nghiệp. Với những yếu tố không thuận lợi trên, nhu cầu giao dịch bất động sản giảm kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm trước.

Vì sao cá nhân lãnh đạo bền bỉ cho công ty mượn tiền?

Không phải ngẫu nhiên mà các cá nhân lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai móc hầu bao cho công ty vay mượn số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, không phát sinh lãi suất.

Quay trở lại năm 2016, Quốc Cường Gia Lai đối mặt với áp lực trả nợ ngắn hạn lớn. Công ty có 1.788 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 81 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn. Trong đó, gần 1.377 tỷ đồng là nợ gốc tại BIDV chi nhánh Quang Trung đến hạn trả.

Để có tiền tất toán khoản nợ này, Quốc Cường Gia Lai đã ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ, chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của tập đoàn tại dự án Phước Kiển cho Sunny (thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát), nhận đặt cọc 2.883 tỷ đồng.

Cho đến cuối năm 2017, Quốc Cường Gia Lai đã dùng số tiền trên để tất toán nợ vay với BIDV và phát triển các dự án bất động sản. Báo cáo công ty cho biết số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai, khi việc đàm phán và chuyển nhượng được hoàn tất, dự án đủ điều kiện được phép chuyển nhượng.

Từ năm 2017 đến nay, Quốc Cường Gia Lai đẩy mạnh việc vay nợ các bên liên quan và cá nhân lãnh đạo công ty để có dòng tiền hoạt động. Việc vay nợ tài chính hàng năm được kiểm soát ở mức thấp, dao động vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Tại ngày 30/9, công ty có dư nợ tài chính 421 tỷ đồng, rất nhỏ so với vốn chủ sở hữu hơn 4.515 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án Phước Kiển bán cho tập đoàn Vạn Thịnh Phát, 2 bên phát sinh nhiều tranh chấp trong thời gian qua, tới mức Quốc Cường Gia Lai kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC).

Tuy nhiên liên quan đến vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử đã buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Lan là hơn 2.882 tỷ đồng. Quốc Cường Gia Lai sẽ nhận lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nắm giữ trước đó.

Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai kháng cáo và cho rằng công ty chỉ phải trả hơn 1.441 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan, đồng thời xin cấn trừ số tiền 130 tỷ đồng đã chuyển vào công ty trực thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát để ghi nhận thanh toán cho nghĩa vụ của mình.

Liên quan tới số tiền phải trả Vạn Thịnh Phát, ông Nguyễn Quốc Cường từng nói sẽ thu xếp nguồn tiền trả lại bà Trương Mỹ Lan và nhận về dự án. Nguồn tiền đến từ việc thoái vốn 3 dự án thủy điện, đem về nguồn thu khoảng 1.000 tỷ đồng; xử lý hàng tồn kho; bán dự án Marina Đà Nẵng.