Ông Nguyễn Đăng Quang không còn là Chủ tịch Hàng tiêu dùng Masan

(Dân trí) - Mặc dù không còn là Chủ tịch HĐQT Masan Consumer nhưng ông Nguyễn Đăng Quang vẫn đảm nhiệm Thành viên HĐQT. Đại hội đồng cổ đông bất thường của Masan Consumer diễn ra mới đây cũng đã thống nhất việc tăng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 lên 6 người và bầu bổ sung 1 thành viên vào HĐQT.


Ông Nguyễn Đăng Quang từng bày tỏ tham vọng nâng tỷ lệ chi trả bình quân của người Việt cho sản phẩm của Masan Consumer từ 2 USD/tháng hiện nay lên 10 USD/tháng vào năm 2020.

Ông Nguyễn Đăng Quang từng bày tỏ tham vọng nâng tỷ lệ chi trả bình quân của người Việt cho sản phẩm của Masan Consumer từ 2 USD/tháng hiện nay lên 10 USD/tháng vào năm 2020.

Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - mã: MCH) vừa công bố thông tin cho biết, tại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 23/6 vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty này đã thống nhất việc tăng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 lên 6 người và bầu bổ sung 1 thành viên vào HĐQT.

HĐQT Masan Consumer cũng đã ra nghị quyết bổ nhiệm ông Trương Công Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT thay cho ông Nguyễn Đăng Quang.

Ông Nguyễn Đăng Quang đồng thời cũng nhường lại chức vụ người đại diện theo pháp luật của Masan Consumer cho ông Trương Công Thắng - tân Chủ tịch HĐQT và ông Seokhee Won - Tổng giám đốc công ty.

Mặc dù không còn giữ chức vụ cao nhất tại Masan Consumer nhưng ông Nguyễn Đăng Quang vẫn đảm nhiệm Thành viên HĐQT.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, Masan Consumer đã quyết định thay đổi trụ sở làm việc về tầng 12, tòa nhà MPlaza Saigon, số 39 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963, hiện đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Masan và Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tecombank. Tuy giữ nhiều chức vụ quan trọng song ông Quang nắm giữ tỷ lệ cổ phần không đáng kể tại Masan Group cũng như các đơn vị thuộc tập đoàn này.

Theo báo cáo tài chính quý I/2017 của Masan Consumer, trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Masan Consumer giảm 17% từ 2.400 tỷ đồng xuống 2.000 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm gần 2/3 từ 329 tỷ xuống 120 tỷ đồng.

Theo công ty này, nguyên nhân sụt giảm là do công ty tập trung tăng trưởng bán hàng đến người tiêu dùng và tối ưu hàng tồn kho tại các nhà phân phối nhằm cân bằng cung cầu. Biện pháp này sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2017 và sẽ giúp giảm chi phí quản lý và bán hàng.

Thay đổi này được cho là sẽ gây tác động đến kết quả kinh doanh nửa đầu năm nhưng Masan Consumer cho rằng công ty sẽ có vị thế tốt hơn vào nửa cuối 2017 và đảm bảo tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết, doanh nghiệp này đã thực hiện nghiên cứu nhu cầu, khả năng chi tiêu của người Việt Nam với ngành hàng nhu yếu phẩm hàng ngày. Kết quả cho thấy, mỗi tháng, người Việt đang trả 2 USD cho sản phẩm của Masan và mục tiêu mà doanh nghiệp này đặt ra đến năm 2020 là sẽ nâng con số này ít nhất 10 USD/tháng.

Bích Diệp