1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Ông lớn” TKV làm ăn ra sao trước khi chuyển về “siêu” ủy ban quản lý vốn?

(Dân trí) - Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018, TKV cho biết: Doanh thu ước đạt 92.896 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng. Số lao động tiếp tục giảm xuống còn 99.804 người...

TKV khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành chuyển giao về siêu uỷ ban theo yêu cầu cấp trên.
TKV khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành chuyển giao về "siêu" uỷ ban theo yêu cầu cấp trên.

Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam vừa có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền về việc chuẩn bị bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, TKV khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành chuyển giao theo yêu cầu cấp trên. Tập đoàn này đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương xem xét quyết định thời điểm bàn giao để TKV thực hiện.

Bên cạnh đó, TKV đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét tạo điều kiện, giải quyết các công việc dở dang mà TKV đã báo cáo Bộ Công Thương trong năm 2018.

Theo TKV, tính đến thời điểm 1/10/2018, TKV có 70 công ty con, đơn vị trực thuộc. Trong đó, có 27 đơn vị trực thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn; 43 công ty con, đơn vị hạch toán độc lập.

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018, TKV cho biết: Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 92.896 tỷ đồng, đạt 81,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng, đạt 175% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước thực hiện 12.717 tỷ đồng.

Tổng số lao động là 99.804 người, tiếp tục giảm 4.700 người so với số lao động đầu năm. Tiền lương bình quân là 10,36 triệu đồng.

Tổng số than tiêu thụ là 31,05 triệu tấn, đạt 86,3% kế hoạch, tăng 6,8 triệu tấn và bằng 128% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tiêu thụ trong nước 29,54 triệu tấn; xuất khẩu 1,46 triệu tấn.

Tồn kho than sạch là 4,84 triệu tấn, giảm 4,1 triệu tấn so với đầu năm, than nguyên khai 1,93 triệu tấn, giảm 103 nghìn tấn so với đầu năm.

Trước đó năm 2017, doanh thu TKV đạt 109,2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận toàn tập đoàn là 3.051 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn tập đoàn là 2,49 lần; giảm 0,15 lần so với năm 2016. Trong đó hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ là 1,75 lần.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, TKV cho biết các công trình sản xuất năm trước đã và đang phát huy hiệu quả: Nhà máy gang thép Cao Bằng, dự án Bauxit – Nhôm Lâm Đồng năm 2017 đã làm chủ được công nghệ, giảm giá thành, có lãi trước 1 năm so với dự án được duyệt, dự án Nhân Cơ đã vận hành ổn định.

Ngoài TKV, trong số 19 đơn vị được chuyển giao vốn về "siêu" Ủy ban, có các tập đoàn lớn khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Cùng với đó là 10 tổng công ty khác, bao gồm Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VECX); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Ước tính, tổng tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước này có giá trị lên tới 2,3 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 46% GDP cả nước năm 2017 vừa qua).

Nguyễn Khánh

“Ông lớn” TKV làm ăn ra sao trước khi chuyển về “siêu” ủy ban quản lý vốn? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm