“Ông lớn” tiếp tay cho gas lậu

Có một thực tế là hiện nay các cơ sở sang chiết gas lậu, gas giả không phải lấy từ các nguồn trôi nổi mà lấy từ chính các doanh nghiệp đầu mối trong nước.

Dưới áp lực cạnh tranh, một số doanh nghiệp (DN) lớn đã nhắm mắt cấp nguồn cho các đối tượng làm ăn phi pháp làm giả gas của chính mình và các thương hiệu khác. Tiếc là các quy định của pháp luật hiện vẫn chưa rõ ràng nên chưa có DN đầu mối nào bị xử lý khiến thị trường gas luôn trong tình trạng lộn xộn, bát nháo.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Biết nhưng không dám nêu đích danh

 

Ông Huỳnh Ngọc Quang, Chi hội Gas Miền Tây, nói rằng lâu nay chúng ta cứ nghe các đối tượng sang chiết gas lậu khi bị bắt đều khai nguồn gas mua từ các xe bồn chở gas trôi nổi. “Nhưng thực tế làm gì có gas trôi nổi để mua nếu như không phải nguồn được cấp từ các “ông lớn” trong ngành vì chỉ họ mới có gas bồn để bán” - ông Quang khẳng định.

 

Ông Nguyễn Quang Ninh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TM DV Dầu khí Vũng Tàu, nêu bức xúc vì sao các DN trong ngành đều biết rõ những ai đang cấp nguồn cho các đối tượng sang chiết gas lậu nhưng vẫn chưa bị xử lý.

 

Cơ quan chức năng tỉnh Long An xử lý trạm sang chiết gas lậu
Cơ quan chức năng tỉnh Long An xử lý trạm sang chiết gas lậu

 

Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, thừa nhận tình trạng này đã diễn ra từ lâu song việc kêu gọi các DN vi phạm ngưng cấp hàng cho những đối tượng làm ăn phi pháp đã 5 năm qua nhưng không đạt hiệu quả.

 

“Một số DN thuộc Chi hội Gas Miền Nam cũng có chuyển biến nhưng rất nhiều DN bên ngoài chi hội vẫn cứ ngang nhiên “bắt tay” với gas lậu” - bà Mẫn nói.

 

Bà Mẫn đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra đầu ra - đầu vào của các DN đầu mối để chỉ ra đơn vị nào bán sai địa chỉ, bán cho những nơi không đủ điều kiện mua gas. Các quy định hiện nay khá đầy đủ, ai vi phạm có thể bị phạt từ 50-60 triệu đồng kèm hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép hoạt động từ 1-3 tháng (Nghị định 97 có hiệu lực từ ngày 10-10-2013) thì các đơn vị này mới không dám tiếp tay cho gas lậu chứ vận động miệng thì... không ăn thua.

 

Theo nhiều DN kinh doanh gas, có nhiều “đại gia” trong ngành cũng cấp nguồn cho gas lậu nhưng vì sợ nói ra họ sẽ gây khó dễ nên không dám nêu đích danh. Có một số vụ khi cơ quan chức năng xử lý trạm sang chiết gas trái phép đã lộ ra nhiều đầu mối lớn bán gas trực tiếp cho các đối tượng này, có hóa đơn đỏ hẳn hoi nhưng chưa ai bị xử lý.

 

Chặt nguồn gas lậu

 

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Chi hội Gas Miền Nam, cho biết sắp tới, các DN gas trong chi hội sẽ phối hợp với nhau để chống gas giả, gas lậu. Mục tiêu là “chặt” cho được nguồn cung cấp cho các cơ sở làm gas lậu và các DN gas sẽ làm tốt hơn khâu phân phối để gas lậu không thể lọt vào.

 

“Nhiều DN đầu mối bị áp lực giải phóng hàng tồn để có kho chứa nhằm nhập hàng mới đã ký hợp đồng từ trước nên họ bán hàng cho bất cứ ai mua, kể cả những người làm gas lậu. Vì thế, các DN trong ngành không chỉ cạnh tranh mà còn phải hỗ trợ nhau những lúc khó khăn như cho mượn kho bãi khi thừa và mượn gas khi thiếu” - ông Loan nêu giải pháp.

 

Ông Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Gas Petrolimex Sài Gòn, cho rằng các DN gas biết rõ ai kinh doanh đàng hoàng thì nên sử dụng dịch vụ của nhau chứ không “đi tắt đón đầu”, chấp nhận làm ăn với những DN gian dối. “Không nên hợp đồng chiết nạp gas tại các trạm ở những vị trí ngóc ngách, dễ làm bậy, dễ bị lợi dụng” - ông Hoàng Anh nói.

 

Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra, rà soát công bố các thương nhân đủ điều kiện kinh doanh gas đầu mối, nhất là đối với thương nhân phân phối cấp 1 (được phép mua gas bồn) để các đầu mối bán gas rời không còn cớ biện minh cho mình.

 

Theo Ngọc Ánh

NLĐ
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước