1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sang chiết gas lậu “giàu” hơn buôn thuốc phiện?

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Gas Việt Nam khi nói về tình trạng gas lậu trên thị trường nước ta.

Theo lý giải của vị này, các đối tượng không phải đầu tư vốn ban đầu. Họ mua vỏ bình gas trôi nổi, rồi sang chiết gas từ những bình mới, thông qua đó cứ 1 bình sẽ ăn bớt được khoảng 2-4kg. Số tiền thu được qua việc ăn bớt từ vỏ bình cũ là rất lớn.

Khuyến mãi kiểu “móc túi”

Ngoài việc “chôm chỉa” vỏ bình, thực trạng cắt tai, mài vỏ, sang chiết gas trái phép đang diễn ra hết sức phức tạp. Tình trạng này không chỉ khiến nhiều hãng gas lớn tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, thương hiệu, thị trường… mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Việc các đại lý bán lẻ gas tìm mọi cách để móc túi người tiêu dùng và việc cơ quan quản lý không quản nổi các đại lý bán lẻ gas là một thực trạng ở thị trường gas hiện nay.

Người tiêu dùng giờ đây vốn quá quen với việc mỗi đại lý một giá khác nhau cho cùng một hãng gas và cùng trọng lượng. Chuyện bán gas giả, gas nhái, gas sang chiết không đảm bảo... cũng không còn xa lạ. Ngoài những chuyện đó, một điều đang xảy ra hằng ngày nhưng người tiêu dùng không hay biết đó là chuyện về trọng lượng của các bình gas đã được các đại lý “hô biến” một cách tinh vi.

Hiện trường vụ nổ gas ở Khu Công nghiệp Khai Sơn tháng 12/2012
Hiện trường vụ nổ gas ở Khu Công nghiệp Khai Sơn tháng 12/2012

Bà Minh ở Cổ Nhuế, Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, gia đình bà vẫn hay sử dụng bình gas 11kg mang nhãn hiệu Shell gas của một đại lý bán lẻ ngay trên địa bàn. Thời gian đầu, khi đại lý này mới mở, chừng 3 tháng gia đình bà mới dùng hết 1 bình gas. Thế nhưng, sau khi đại lý này đã đông khách hơn thì cũng đồng nghĩa với việc thời gian dùng gas của gia đình đã rút xuống còn hơn 2 tháng.

Hiện nay, đại lý gas mọc lên như “nấm sau mưa” bởi lợi nhuận từ việc bán lẻ gas rất lớn, chiêu trò khuyến mãi kéo khách cũng được sử dụng thường xuyên. Chuyện rải tờ rơi đầy ngõ, thậm chí vào từng nhà phát thông tin quảng cáo khuyến mãi gần như lúc nào cũng có. Tuy nhiên, nếu để ý, thời gian sử dụng gas ở các đại lý này thường rất ngắn. Nếu đem so sánh ra với bình gas của một số đại lý đã từng dùng, có nơi còn dùng thêm tới gần 20 ngày sử dụng.

Theo anh Cường, chủ đại lý một hãng gas trên đường Nghi Tàm, Tây Hồ (Hà Nội), người tiêu dùng không nên ham quà khuyến mãi hay chiêu “khai trương giảm giá” mà tin tưởng rằng đang sử dụng sản phẩm chính hãng. Có nhiều cơ sở kinh doanh gas nhỏ lẻ dùng đủ chiêu trò để “móc túi” người tiêu dùng một cách trắng trợn. Thậm chí, để hút khách, không ít cửa hàng đã rút ruột cân điêu, bán gas kém chất lượng rồi còn rêu rao giảm giá khuyến mãi để kiếm lợi. Điển hình cho chiêu này chính là bán với giá bán rẻ hơn 10.000-30.000 đồng/bình gas; một số đại lý đã đánh vào tâm lý giá rẻ để kích cầu. Nhưng ít ai hiểu được sự thực mình đang bị “móc túi” trắng trợn với việc ăn bớt khối lượng bằng cách ghi khống trọng lượng vỏ bình gas.

Theo lực lượng chống gas giả, hầu hết bình gas sản xuất trọng lượng đúng với thông số, nhưng một số đại lý hàn thêm sắt dưới đáy bình hoặc ghi sai thông số trên bình để móc túi người tiêu dùng.

Coi thường tính mạng

Không chỉ rút ruột, hàn thêm sắt dưới đáy bình gas cho nặng cân để dùng chiêu khuyến mãi dỏm lừa người tiêu dùng, nhiều hãng gas lậu còn ngang nhiên thay đổi kết cấu bình gas khiến tính mạng con người bị đe dọa nghiêm trọng.

Thông tin từ các hãng gas cho biết, nhiều năm qua, tình trạng chiết nạp gas trái phép, giả mạo sở hữu công nghiệp ngày càng gia tăng. Thời gian gần đây, thủ đoạn này được các đối tượng sử dụng trắng trợn bằng việc trực tiếp cắt tai, mài vỏ, chiếm dụng vỏ bình của nhiều hãng gas lớn để sang chiết trái phép.

Phần lớn các loại vỏ bình của các hãng gas lớn, có tên tuổi đều bị các đối tượng này gom lại, sau đó mài mòn phần thương hiệu dập nổi, sơn lại, cắt quai bình gas cũ, hàn quai mới… và đắp thương hiệu mới lên trên. Kinh khủng hơn, đối tượng còn cắt thân bình gas thương hiệu này lắp ráp vào bình thương hiệu khác, sau đó cho ra mắt một bình gas mới với thương hiệu “độc”. Thực trạng này có thể khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh gas chính hãng chịu hậu quả oan.

Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long (TL gas) là một trong những đơn vị đã chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng ăn cắp vỏ bình gas. Theo đại diện hãng gas này, chi phí sản xuất vỏ bình khoảng 500.000 đồng/bình. Khi một bình gas xuất xưởng đến với người tiêu dùng lần đầu, DN chỉ thu phí đặt cược là 200.000 đồng/vỏ bình và chỉ lãi vài chục nghìn/bình. Thông thường, phải mất 3 tháng, DN mới quay vòng được bình gas đó. Vì vậy nếu các đối tượng dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt vỏ bình thì công ty sẽ không có lãi mà bị lỗ mất hàng trăm nghìn/bình gas. Công ty gas ít vốn có thể bị phá sản oan.

Công ty gas Hồng Hà đã xuất ra thị trường 1,1 triệu vỏ bình quay vòng. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, hiện có đến 250.000 vỏ bình gas đang bị chiếm dụng, trôi nổi, gây thiệt hại xấp xỉ 100 tỉ đồng. Thủ đoạn cắt tai, mài vỏ, chắp vá bình gas không chỉ khiến các DN tổn thất nặng về kinh tế mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Bởi các bình gas phù phép, vốn đã bị DN này đập bỏ quai bình hàn lại, mài tên hãng gas in nổi trên vỏ bình. Nguy hiểm nhất là sau khi bị mài mòn sẽ gây nguy cơ cháy nổ, rò rỉ. Thực tế đã có nhiều vụ cháy nổ do gas trong thời gian qua.

Kẽ hở trong quản lý

Theo quy định hiện hành, gas là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, để thành lập một DN kinh doanh mặt hàng gas phải qua nhiều khâu: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh; Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quản lý việc cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn cháy, nổ; Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng như chịu trách nhiệm kiểm soát về hoạt động kinh doanh của các cơ sở; Sở Tài chính quản lý về giá; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn tại các cơ sở sang chiết, kinh doanh gas… Như vậy, có thể thấy có nhiều cơ quan chức năng cùng quản lý kinh doanh mặt hàng gas, nhưng trên thực tế, công việc quản lý sau cấp phép bộc lộ nhiều bất cập bởi khó quản lý và xử lý sai phạm do trách nhiệm chồng chéo.

Theo thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện nay trên thị trường có đến 40% các loại bình gas không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đang tồn tại trôi nổi trên thị trường.

Đánh giá về thị trường gas trong nước, ông Trần Trọng Hữu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Gas cho rằng, không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà có thị trường gas lộn xộn như ở Việt Nam. “Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng con người mà cấp phép kinh doanh quá dễ dàng, chỉ 1 ngày là xong thủ tục cấp phép”, ông Hữu băn khoăn.

Những bất cập của thị trường gas cho thấy, công tác quản lý từ DN đến cơ quan quản lý Nhà nước cần có điều chỉnh, siết chặt việc cấp phép kinh doanh cho các cửa hàng kinh doanh gas là việc làm rất cần thiết.

Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) lại cho rằng: Để ổn định, minh bạch thị trường gas cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để điều tiết; cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt mức xử phạt cao cũng là liều thuốc giúp cho việc răn đe các hành vi sản xuất, kinh doanh gas trái phép có hiệu quả.

Theo Phương Vũ
Petrotimes
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm