"Ông lớn" bất ngờ hạ lãi suất huy động, cơ hội cho nhà băng nhỏ

(Dân trí) - Sáng nay 7/6, lãi suất huy động VND của Vietcombank và ACB đột ngột giảm mạnh ở hầu hết các kỳ hạn, sau một thời gian dài kịch trần cho phép. Như vậy, các ngân hàng nhỏ đã có thể trực tiếp cạnh tranh bằng công cụ lãi suất mức quanh 11%/năm.

Lãi suất huy động VND bất ngờ giảm mạnh.
Lãi suất huy động VND bất ngờ giảm mạnh.

Khởi động xu hướng giảm lãi suất mới

Theo bảng lãi suất niêm yết trên trang web của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động VND giảm ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ mức không kỳ hạn và kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày.

Cụ thể, mức lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank hiện giảm còn 10,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng. Mức 10%/năm được áp ở hai kỳ hạn 2 và 3 tháng; các kỳ hạn 6 - 24 tháng chỉ còn 9,5%/năm; các kỳ hạn 36, 48 và 60 tháng chỉ còn 8%/năm.

Trước đó, Vietcombank áp đồng loạt mức lãi suất 11%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng; các kỳ hạn dài hơn là 10%/năm.

Còn theo biểu lãi suất mà Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) áp dụng từ ngày hôm nay, tiền gửi có kỳ hạn 2 - 3 - 6 - 9 tháng (lãi cuối kỳ) có mức lãi suất 10,8%/năm; kỳ hạn 24 và 36 tháng (lãi cuối kỳ) còn 10%/năm; chỉ có kỳ hạn 12 và 13 tháng mới được hưởng lãi suất 11%/năm.

Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm qua, hai “đại gia” ngân hàng có sự chủ động giảm lãi suất huy động xuống thấp như vậy. Bởi hiện tại, trần lãi suất huy động VND theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 11%/năm. Đặc biệt trong bối cảnh, một số ngân hàng nhỏ vẫn lách trần “đi đêm” lãi suất.

Việc hai ngân hàng này đồng loạt giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn cho thấy trạng thái dư thừa vốn và khả năng đi trước đón đầu một đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, từ việc Vietcombank và ACB, các ngân hàng nhỏ có thể trực tiếp cạnh tranh bằng công cụ lãi suất theo đúng quy định, khi áp đồng loạt lãi suất ở 11%/năm.

Tung vốn rẻ: cứu doanh nghiệp và tự cứu mình
 
Cùng với với xu hướng giảm lãi suất huy động VND trên, thị trường còn đón nhận một “làn sóng” tung nguồn vốn giá rẻ. Trong các gói vốn tung ra lần này, có cả hiện diện của ngân hàng nước ngoài bên cạnh các ngân hàng thương mại trong nước.

Đó là ANZ với gói lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà, vay thế chấp khác với lãi suất thấp 13,65%/năm; VIB dành nguồn vốn 1.000 tỷ đồng với hạn mức cho vay tối đa lên tới 90% giá trị tài sản thế chấp và thời hạn vay tối đa là 180 tháng; ABBank triển khai một chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 14,5%/năm; LienVietPostBank với 500 tỷ đồng trong chương trình “60 ngày tiếp sức cùng doanh nghiệp”. Và đặc biệt là “ông lớn” Agribank với 10 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi 12%/năm với khách hàng xuất khẩu…

Theo đại diện các ngân hàng, điều đáng lo ngại nhất của doanh nghiệp hiện nay là tình trạng khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng do hàng tồn kho cao, chất lượng bảng cân đối tài sản xấu, không đáp ứng khẩu vị rủi ro của ngân hàng... Thậm chí, có khá nhiều doanh nghiệp mất niềm tin để tiếp tục vay vốn làm ăn, dù tình trạng không đến nỗi bi đát.

Trước thực trạng này, một số ngân hàng đã cử nhân lực tín dụng xuống các hiệp hội, trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp cùng họ phân tích giá thành, lên phương án giải quyết khó khăn. Qua đó, ngân hàng nắm rõ tình hình sức khỏe doanh nghiệp để cho vay cả hai đầu sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, với nhóm khách hàng đã kịp thoát hàng, chất lượng doanh nghiệp tốt nhưng đang dừng lại để nghe ngóng, ngân hàng sẵn sàng cùng họ lên phương án kinh doanh mới và cho vay…

Một số chuyên gia cho biết, để phục hồi chuẩn tín dụng cho các doanh nghiệp, trong khi Nhà nước đang chuẩn bị các biện pháp giải quyết tình trạng xấu của bảng cân đối tài sản doanh nghiệp thì việc ngân hàng xắn tay lo cùng doanh nghiệp là cần thiết. Việc làm đó của các ngân hàng có thể “cứu” cả doanh nghiệp lẫn “cứu” ngân hàng.

An Hạ