Ông Lê Phước Vũ: "Sau vụ Formosa, giờ các sếp không dễ dãi..."
(Dân trí) - "Trong đại hội tôi có nói Hoà Phát quý vừa rồi họ lời 2.000 tỷ đồng. Mình kiểm soát tốt thì ngu gì không làm. Đây là câu nói đùa. Tôi nói với nội bộ cổ đông chứ không nói với công luận. Tôi mong truyền thông và mọi người đừng hiểu sai", ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoa Sen Group nói.
Trong đại hội cổ đông vừa qua, ông Lê Phước Vũ nói đại ý rằng, Hoà Phát làm thép lời thì Hoa Sen ngu gì mà không làm khiến dư luận cho rằng dường như ông đang bất chấp tất cả để đạt được mục đích kinh doanh. Thế nhưng, ngay hôm sau, ông Vũ đã "đính chính" rằng, đây chỉ là lời nói đùa mang tính nội bộ.
"Trong đại hội tôi có nói, Hoà Phát quý vừa rồi họ lời 2.000 tỷ đồng. Mình kiểm soát tốt thì ngu gì không làm. Đây là câu nói đùa. Tôi nói với nội bộ cổ đông chứ không nói với công luận. Tôi mong truyền thông và mọi người đừng hiểu sai", ông Vũ phân trần.
"Chưa chọn mua công nghệ, thiết bị của ai"
Ông Vũ cho biết, có nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận trong đại hội cổ đông, trong đó có thông tin đến dự án Nhà máy thép Hoa Sen Cà Ná. "Thông tin nhiều chiều, mọi người sẽ hoang mang. Trong khi việc đầu tư của cổ đông là tiền tươi thóc thật. Nếu công ty thành công thì họ được hưởng. Nhưng nếu công ty thất bại thì họ sẽ ngừng. Tôi phải trao đổi một cách thẳng thắn trong đại hội. Tôi là chủ tịch HĐQT, tôi phải trấn an cổ đông. Cổ đông yên tâm và đã biểu quyết thông qua tỉ lệ 97%", ông Vũ khẳng định.
Dư luận đang rất quan tâm về nguồn gốc các công nghệ, thiết bị mà dự án thép ở Ninh Thuận thuộc quốc gia nào. Về vấn đề này, ông Vũ cho biết, hiện có nhiều đoàn chế tạo về luyện cán thép của Đức, Ý, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật... đến khảo sát nhưng Hoa Sen chưa chọn mua công nghệ, thiết bị của ai.
Nói về việc người dân đang thiếu nước sinh hoạt trong khi tỉnh Ninh Thuận đang có dấu hiệu "ưu ái" cho Hoa Sen - Cà Ná, ông Vũ đã phủ nhận điều này. Ông Vũ cho rằng, các hồ chứa của Ninh Thuận đang tăng lên. Dù tỉnh cam kết hỗ trợ nguồn nước nhưng ông vẫn đề phòng xa và nếu thiếu ông sẽ lọc nước biển sử dụng. "Công nghệ lọc nước biển hiện đang rất phổ biến. Điều đó ai cũng biết mà. Lọc nước biển cho sinh hoạt rất là khó, chi phí cao nhưng lọc nước biển để làm nguội, làm mát thì rất phổ biến", ông Vũ nói.
"Tôi sẽ mời các nhà khoa học phản biện đàng hoàng. Sau vụ Formosa, giờ các sếp không dễ dãi như hồi xưa đâu. Em yên tâm đi, tôi vượt qua với sếp cũng rất khổ đấy. Chắc chắn là Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường… không dễ để vượt qua mấy ổng đâu. Sau vụ Formosa, mấy sếp siết chặt lắm!", ông Vũ nói.
Ông Vũ cho biết, Formosa là bài học cho dự án của ông. Quan điểm của ông, nếu không an toàn hoặc không kiểm soát được, sẽ cho dừng ngay lập tức, không triển khai.
"Tôi nhấn mạnh là sẽ minh bạch từng công đoạn một. Sắp tới, vấn đề thủ tục, lựa chọn thiết bị công nghệ của ai cũng sẽ được họp báo công khai đàng hoàng. Thậm chí mời đại diện của các hội đoàn, nông, ngư dân Ninh Thuận đi luôn để họ hiểu được những gì chúng tôi đang làm", Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nhấn mạnh.
Vì sao đặt... ở gần biển?
Trao đổi về vấn đề môi trường của các nhà máy thép, ông Heyno Smith, chuyên gia cao cấp của công ty GMC, công ty hàng đầu của Mỹ về ngành thép cho rằng, sở dĩ các dự án thép không đặt trên núi, hay bất cứ nơi đâu mà thường gần biển vì nơi đây có cảng.
Khi lượng nguyên vật liệu vào và hàng xuất khẩu rất lớn nên nếu đặt nhà máy sâu vào đất liền thì chi phí vận tải sẽ rất khổng lồ. Do đó, những lựa chọn này thông thường dựa trên hiệu suất kinh tế. Chính vì vậy, các chủ đầu tư dự án cần phải quan tâm hơn nữa tới yếu tố môi trường dù ở bất cứ nơi đâu, nhất là gần biển.
Ông Heyno Smith cũng cho rằng, công nghệ đưa tất cả các chất thải xử lí bên trong nhà máy, tức là sau quá trình sử dụng, được xử lí đạt tiêu chuẩn tái sử dụng không phải là cái gì quá là lạ, bởi vì đó là tiêu chuẩn thông thường của nhà máy. Chi phí cho việc xử lý môi trường của dự án nhà máy thép cũng từ 5% - 10% vốn đầu tư.
Vụ công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho biết, trong quá trình rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 của Bộ Công Thương cho thấy một số dự án sản xuất phôi thép trong Quy hoạch đang bị chậm tiến độ, hoặc đã bị thu hồi giấy phép.
Khả năng đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025 thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô/năm, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn so với hiện nay, khoảng 6-7 tỷ USD/năm.
Quế Sơn